Tầm soát bệnh tật trước sinh: Đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi chào đời

– Tầm soát, sàng lọc trước sinh (SLTS) là việc áp dụng kỹ thuật khoa học tiên tiến để phát hiện các bất thường về mẹ, can thiệp sớm các bệnh tật của thai nhi ngay trong giai đoạn bào thai, góp phần đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ, giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện khám sàng lọc trước sinh cho thai phụ

Hiện đang mang thai ở tháng thứ 5, đều đặn 2 tháng một lần, chị Hoàng Thị Thúy, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn lại đến cơ sở y tế để siêu âm, kiểm tra tình trạng sức khỏe của thai nhi, đồng thời để các bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, phù hợp nhằm bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc thai nhi thật tốt.

Chị Thúy cho biết: Tôi rất quan tâm đến việc chăm sóc con ngay từ những tháng đầu của thai kỳ. Đầu tháng 9 vừa qua, tôi đã đi khám thai để thực hiện xét nghiệm sàng lọc một số bệnh di truyền như: hội chứng Down, dị tật ống thần kinh… Rất may, thai nhi phát triển khỏe mạnh, tôi rất yên tâm.

Cũng như chị Thúy, hiện nay, nhiều bà mẹ đã lựa chọn sàng lọc cho con ngay từ những tháng đầu của thai kỳ. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 11.265 phụ nữ mang thai được SLTS, 6 tháng đầu năm 2023 có 3.406 phụ nữ mang thai được SLTS, tăng 657 ca so với cùng kỳ năm 2022. Để người dân nâng cao ý thức tầm soát bệnh tật trước sinh, ngành dân số đã tăng cường tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi của người dân.

Để tầm soát, chẩn đoán, xác định sớm các trường hợp thai nhi mắc bệnh, thai phụ nên sàng lọc định kỳ vào các thời điểm:

– Tuần thai thứ 12 đến 13 để siêu âm hình thái, đo độ mờ da gáy nhằm phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác.

– Siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 đến 24 tuần để phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, tim mạch, cơ quan sinh dục…

– Siêu âm màu ở tuần thai thứ 30 đến 32 để phát hiện sớm những bất thường ở động mạch, tim và cấu trúc não, đồng thời tiên lượng cho cuộc đẻ an toàn.

Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngành dân số đã triển khai các giải pháp để người dân nhất là các bà mẹ mang thai hiểu và chú trọng tầm soát sớm bệnh tật trước sinh, chúng tôi đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu về SLTS cho cán bộ y tế cấp xã; mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về SLTS cho các đối tượng là cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn đăng phát các tin, bài, phóng sự về lợi ích của SLTS đối với mẹ và bé… qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ mang thai, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về việc thực hiện phương pháp SLTS, giúp sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Theo đó, hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn kiến thức về các dịch vụ SLTS cho trên 200 lượt cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản được trên 600 buổi với gần 11.000 lượt người nghe; phát trên 4.800 tờ rơi các loại… Đối tượng được tuyên truyền chủ yếu là phụ nữ mang thai, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, hằng năm, cơ quan dân số cấp huyện còn phối hợp với trung tâm y tế huyện triển khai bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hoặc viên sắt và tổ chức tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai.

Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân về SLTS, nhất là phụ nữ mang thai, hằng năm, đội ngũ làm công tác dân số của huyện đều tích cực tuyên truyền đến các bà mẹ mang thai đến khám, thực hiện sàng lọc vào đúng thời điểm để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi và kịp thời bổ sung các dinh dưỡng cần thiết; phòng dân số huyện cũng phối hợp với Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho phụ nữ mang thai tại các xã vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, nhận thức của người dân về SLTS được nâng lên, 6 tháng đầu năm 2023, có gần 300 phụ nữ mang thai được SLTS, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Với ý nghĩa, tầm quan trọng mà SLTS mang lại, thời gian tới, ngành dân số của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai chủ động SLTS; thực hiện tốt công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng nói trên; các cấp, ngành liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát chất lượng dịch vụ SLTS của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập theo định kỳ…

DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/610524-tam-soat-benh-tat-truoc-sinh-dam-bao-suc-khoe-cho-tre-khi-chao-doi.html