Chuyên gia nói gì về việc người nhóm máu O bị muỗi đốt nhiều hơn?

Theo TS. Nguyễn Văn Dũng, người bị muỗi đốt nhiều hơn có liên quan tới việc cơ thể tiết ra pheromone (chất dẫn dụ) thu hút muỗi.

Trước nhiều thông tin cho rằng "người nhóm máu O hoặc thịt thơm bị muỗi đốt nhiều hơn", trao đổi với báo chí , TS.Nguyễn Văn Dũng-Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, khẳng định thông tin này là không có cơ sở khoa học chứng minh.

Theo TS. Dũng, muỗi có bộ phận cảm thụ nằm ở râu (được ví là ăng ten). Đây là cơ quan phương hướng muỗi dùng để tìm tới người và đốt. Bộ phận cảm thụ của muỗi rất mẫn cảm với mùi.

"Không phải thịt thơm là muỗi thích mà muỗi rất mẫn cảm với mùi thơm. Ví như mùi nước hoa là thứ muỗi không thích và muỗi sẽ không dám tới gần. Một số mùi hương muỗi thường không thích như sả, tinh dầu tràm, bạc hà… Dựa vào cơ chế này, con người đã sản xuất ra các sản phẩm xua đuổi muỗi hiệu quả. Với nhóm máu cũng như vậy, chưa có cơ sở chứng minh người có nhóm máu O muỗi sẽ đốt nhiều hơn các nhóm máu khác", TS.Dũng nêu.

Phân tích thêm về việc có người bị muỗi đốt nhiều hơn, TS.Dũng cho rằng người bị muỗi đốt nhiều hơn có liên quan tới việc cơ thể tiết ra pheromone (chất dẫn dụ) thu hút muỗi.

Không phải thịt thơm là muỗi thích mà muỗi rất mẫn cảm với mùi thơm.

Không phải thịt thơm là muỗi thích mà muỗi rất mẫn cảm với mùi thơm.

Cơ thể của một số người tiết ra một chất pheromone hấp dẫn cảm thụ muỗi cho nên người này thường bị muỗi đốt nhiều. Muỗi đương nhiên sẽ đốt người, nhưng trong gia đình hoặc quần thể sẽ có người tiết ra chất pheromone hấp dẫn được muỗi thì sẽ thu hút muỗi hơn.

"Vì mỗi người sẽ tiết ra những chất pheromone khác nhau, có loại thu hút cảm thụ của muỗi, có loại thì không, nên mới có việc người bị muỗi đốt nhiều và ít", TS. Dũng cho hay.

Cũng theo TS. Dũng, bản thân muỗi cũng tiết ra pheromone để thu hút bạn tình. Trong tự nhiên, muỗi đực thường tiết ra pheromone để thu hút bạn tình (muỗi cái) đến giao phối.

Nếu quan sát vào buổi sáng hoặc chiều tối, chúng ta sẽ thấy những đoàn muỗi thường bay thành vòng tròn, đó chính là muỗi đực. Muỗi đực vừa bay vừa tiết ra pheromone để thu hút muỗi cái.

TS.Trần Quang Phục- Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng cho biết việc một số người bị muỗi đốt nhiều hơn còn có liên quan tới nhiệt độ. Muỗi phát triển mạnh ở khí hậu nóng ẩm và thích con người có nhiệt độ cơ thể cao hơn tự nhiên.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loài muỗi nhất định bị thu hút nhiều hơn ở các vùng khác nhau trên cơ thể. Một số loài thích đầu và vai trong khi những con muỗi khác thích bàn chân và mắt cá chân.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra muỗi bị thu hút bởi thán khí mà bạn thải ra khi thở và đặc biệt là khi tập thể dục. Theo một số nghiên cứu, muỗi có thể phát hiện ra CO2 từ cách xa khoảng 50m và sẽ di chuyển về phía khu vực đó để tìm kiếm "vật chủ" tiềm năng.

TS.Nguyễn Văn Dũng-Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

TS.Nguyễn Văn Dũng-Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Ngoài ra, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên TS. Dũng khuyến cáo người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi. Về cơ bản biện pháp phun xịt hóa chất chỉ có hiệu quả trong 1-2 tiếng là khuếch tán hết ra môi trường và không còn tác dụng.

Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Hóa chất chỉ diệt được những con trưởng thành trong thời điểm đó. Nếu bọ gậy vẫn còn lại thì chỉ vài tiếng sau sẽ nở ra và bắt đầu chu kỳ tấn công con người mới.

Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi.

Ngày 16/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã ban hành quyết định về việc ban hành danh mục 40 vắc-xin, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Vắc-xin phòng sốt xuất huyết của Takeda là một trong số 40 vắc-xin, sinh phẩm được cấp phép, gia hạn lần này. Vắc-xin sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm.

Theo dự kiến, vắc-xin phòng sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 9/2024.

Đến nay, vắc-xin phòng sốt xuất huyết do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âuix, Vương quốc Anhx, Brazil, Argentinaxi, Indonesiaxiii, Thái Lanxiv và Malaysiaxv. Vắc-xin này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-nguoi-nhom-mau-o-bi-muoi-dot-nhieu-hon-a663995.html