Hơn 300.000 thí sinh không xét tuyển đại học

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kết thúc đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) đợt1 năm 2023, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 660.000, tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều thí sinh không chọn con đường vào đại học, mà chọn học nghề. Ảnh: TL.

Như vậy, so với 5 năm 2022 (tỉ lệ này là 64,07%) thì tỉ lệ đăng ký xét tuyển ĐH năm 2023 có tăng hơn. Nhưng chỉ có 66% đăng ký xét tuyển ĐH, có nghĩa là còn khoảng 34% (hơn 300.000) thí sinh không chọn con đường vào ĐH. Đây cũng là sẽ là nguồn tuyển dồi dào với các trường nghề.

Theo phân tích từ ThS Vương Thị Liên (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia) tình trạng cử nhân gác bằng tốt nghiệp, rẽ ngang chạy xe ôm công nghệ, làm công nhân... là hồi chuông báo động về sự lãng phí chất xám, tài chính và thời gian “vàng" của một bộ phận người trẻ hiện nay.

Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng sinh viên khó tìm việc làm sau ra trường là các em đang thiếu sự định hướng nghề nghiệp sát sao từ phía nhà trường và xã hội. Phần lớn các trường THPT chưa chủ động kết nối với các trường dạy nghề để định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo đúng sở trường, xu hướng. Trong khi thực tế sinh viên học ĐH ở các trường không thuộc top trên thì thất nghiệp nhưng sinh viên các trường nghề lại được săn đón.

Cơ hội xuất khẩu lao động với những sinh viên trường nghề rất nhiều, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật, Đức, Hàn Quốc…Việc thiếu sự định hướng nghề nghiệp dẫn đến học sinh khi đăng ký ngành học đã không tính đến xu thế, chọn những ngành học khó tìm việc. Cùng với việc không tự tôi luyện, bồi dưỡng, học thêm ngoại ngữ và các kỹ năng khác phục vụ cho nghề nghiệp, nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm như mong muốn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ở mùa tuyển sinh 2022, trong hơn 320.000 thí sinh không xét tuyển ĐH, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động chọn học các trường nghề (CĐ, trung cấp) thay vì xem ĐH là "con đường duy nhất". TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cho rằng, việc ngày càng nhiều thí sinh nhận ra được những giá trị riêng của hệ CĐ, trung cấp là một tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua. Sự chuyển biến này có cú hích không nhỏ từ sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Lê Vũ Hùng - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tư duy bằng mọi giá phải vào ĐH vẫn còn phổ biến ở nhiều người. Tâm lý "sính" bằng ĐH trước hết từ phía các phụ huynh sau đó tác động ngược trở lại học sinh. Theo đó, các trường nghề cần có lộ trình để tiếp tục nâng cao chất lượng, tận dụng những kết nối sẵn có với các doanh nghiệp để cải thiện chương trình và cơ sở vật chất, đảm bảo đầu ra cho người học. Từ đó, tăng sức hấp dẫn của trường CĐ, trung cấp trong mắt người học.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong năm 2022 có hơn 146.000 người mất việc đủ điều kiện, đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số đó có hơn 45.500 người có trình độ ĐH và trên ĐH (chiếm tỉ lệ hơn 31%), trình độ nghề (cả CĐ, trung cấp và sơ cấp) chỉ có gần 18.000 lao động (khoảng 12%). Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỉ lệ thất nghiệp rất thấp. Trong khi đó, công việc của lao động có trình độ ĐH trở lên lại không ổn định, tỉ lệ bị mất việc rất cao.

Với hơn 40 năm làm công tác dự báo nhân lực, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, tâm lý ưa chuộng bằng cấp của người dân khiến cung cầu thị trường lao động mất cân bằng rất lớn. Trong khi tỉ lệ nhu cầu lao động trình độ ĐH trở lên thấp thì nguồn cung lại cao, ngược lại, doanh nghiệp tìm kiếm lao động trình độ trung cấp không ra. Ông Tuấn cho biết, học viên trường nghề ra trường dễ kiếm việc làm vì nhu cầu thị trường lớn, được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp gần với thực tế lao động tại doanh nghiệp... Học nghề có nhiều lợi thế hơn học ĐH vì thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp, thậm chí là học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề còn được nhà nước hỗ trợ học phí.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực việc làm đang thiếu hụt rất lớn. Trong đó, các lĩnh vực như đo điện tử, tự động hóa, công nghệ ôtô, điện - điện tử; các nhóm ngành về kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật ứng dụng; các nhóm ngành về công nghệ xây dựng, vật liệu, công nghệ môi trường... đang rất hút lao động. Nếu sinh viên không tận dụng cơ hội này, nhân lực các nước khác sẽ vào Việt Nam để làm.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hon-300000-thi-sinh-khong-xet-tuyen-dai-hoc-5724655.html