Nghệ nhân nỗ lực giữ lửa làng nghề trăm tuổi

Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 40km, làng hương tăm Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi những bó tăm hương được xếp hình độc đáo mà còn là ngôi làng với trăm năm tuổi đời, nơi có những nghệ nhân như chị Nguyễn Thu Phương, chủ cơ sở sản xuất Từ Bi Hương, một trong những người đang nỗ lực duy trì và phát triển làng nghề hương tăm truyền thống.

Nghệ nhân làng Quảng Phú Cầu nắn nót xếp hương tăm thành từng bó.

Nghệ nhân làng Quảng Phú Cầu nắn nót xếp hương tăm thành từng bó.

Bén duyên với nghề làm hương từ nhỏ, chị Phương đã có hơn 13 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất và làm ra những bó hương để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Chị Phương cho biết: “Người đầu tiên giới thiệu và dạy cho tôi cách làm hương chính là bố mẹ tôi. Từ lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã đi lên vùng rừng núi để tìm các nguyên liệu làm hương. Thời gian đầu, bố mẹ tôi chủ yếu buôn bán nguyên liệu để làm hương. Sau đó, mẹ tôi quyết định theo học nghề làm hương truyền thống. Từ nhỏ, tôi thường theo mẹ học hỏi cách làm các loại hương. Càng ngày nghề làm hương càng cuốn hút tôi và cũng là cơ duyên mà tôi theo nghề từ đó đến bây giờ”.

Cơ sở sản xuất Từ Bi Hương của chị Phương bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng một tấn nguyên liệu để làm hương. Trước kia, cơ sở của chị chủ yếu sản xuất theo cách thức thủ công, nhưng những năm gần đây, nhờ đầu tư máy và công nghệ mới, nên hiệu quả, năng suất cao hơn, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi các nước như: Ấn Độ, Malaysia...

Chị Phương giới thiệu quá trình đưa nghề hương truyền thống đến với các thị trường quốc tế.

Chị Phương giới thiệu quá trình đưa nghề hương truyền thống đến với các thị trường quốc tế.

Đặc biệt, cơ sở kinh doanh của chị Phương còn là đơn vị đầu tiên tại làng hương tăm Quảng Phú Cầu có tới 8 sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP 4 sao.

Chị tự hào chia sẻ: “Năm 2021, tôi được khách hàng hướng dẫn mang sản phẩm dự thi chương trình OCOP. Khi đó, tôi mang tới bốn sản phẩm là: hương quế, hương trầm, hương thảo mộc và hương bồ kết. Mỗi sản phẩm tôi đều mang đi kiểm định để chứng minh với giám khảo là hương an toàn, không chứa các chất độc hại. Sau khi dự thi OCOP, một số tờ báo biết đã về tìm hiểu sản phẩm truyền thống của quê hương tôi. Sau một thời gian, nhiều người ở Việt Nam và du khách quốc tế biết đến sản phẩm truyền thống độc đáo của quê hương tôi. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là niềm tin của khách hàng với thương hiệu của mình”.

Chứng chỉ OCOP là minh chứng cho sự đóng góp và niềm say mê của gia đình chị Phương với nghề làm hương truyền thống.

Chứng chỉ OCOP là minh chứng cho sự đóng góp và niềm say mê của gia đình chị Phương với nghề làm hương truyền thống.

Để có thành quả như hiện nay, chị Phương và gia đình đã phải trải qua không ít khó khăn. Cụ thể, khi bắt đầu khởi nghiệp với tuổi đời còn trẻ, khó khăn lớn nhất thời điểm đó của chị là thiếu nhiều kinh nghiệm, thiếu vốn và nhân lực. Chị chia sẻ: “Chọn các bạn trẻ tuổi thì kinh nghiệm của các bạn còn ít và thường nhanh chán nản, còn đối với những người nhiều tuổi hơn thì phải làm sao thuyết phục và trân trọng tay nghề của họ”.

Hoạt động sản xuất kinh doanh không phải lúc nào cũng trôi chảy. Chị Phương kể lại: “Trong 6 năm đầu, sau khi lập gia đình, tôi lập xưởng sản xuất hương và xuất khẩu sang Ấn Độ, Malaysia và một số nước khác. Thời điểm đó, tôi chưa nắm vững tình hình thị trường quốc tế, nên đã gặp tình trạng lúc thì cháy hàng, lúc hàng bị chậm, hay có những lúc giá nguyên liệu tăng, công nhân bị thiếu...Với niềm say mê nghề truyền thống, tôi đã cố gắng duy trì và tìm hiểu thêm những cách pha chế đa dạng hương vị như: hương quế, hương trầm, hương thuốc bắc, hương trám,...”.

Từng chồng hương tăm tắp sẵn sàng để vận chuyển đến tay khách hàng.

Từng chồng hương tăm tắp sẵn sàng để vận chuyển đến tay khách hàng.

Trước bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, mô hình kinh doanh của gia đình chị Phương cũng có những chuyển biến để thích ứng thị trường và nhu cầu của khách hàng.

Chị Phương không chỉ đưa các sản phẩm của mình tiếp cận gần hơn với các khách hàng qua các hình thức trực tiếp (đại lý, siêu thị, cửa hàng), mà còn thông qua các nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Lazada,… mang tới những trải nghiệm gần gũi hơn cho khách hàng.

Chị Phương là đại diện cho những nghệ nhân trẻ tuổi tại thôn Cầu Bầu, với tình yêu say mê nghề làm hương tăm. Chị cùng nhiều nghệ nhân khác trong làng vẫn đang ngày đêm tạo ra những sản phẩm hương tăm chất lượng mang tới cho khách hàng.

Với chị Phương, được phục vụ khách hàng là một niềm hạnh phúc và tự hào. Kết hợp việc phát triển kinh tế song song với du lịch làng nghề, làng hương tăm Quảng Phú Cầu ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách cả trong và ngoài nước.

Du khách nước ngoài thích thú trước tạo hình bản đồ Việt Nam được làm bằng hàng trăm bó hương sắc màu tại làng Quảng Phú Cầu.

Du khách nước ngoài thích thú trước tạo hình bản đồ Việt Nam được làm bằng hàng trăm bó hương sắc màu tại làng Quảng Phú Cầu.

Tre già măng mọc, những nghệ nhân như chị Phương đều kỳ vọng các thế hệ trẻ sau này sẽ cùng nhau tiếp nối, trân trọng gìn giữ và phát triển nét đẹp truyền thống của làng nghề quê hương.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-nhan-no-luc-giu-lua-lang-nghe-tram-tuoi-post810363.html