Nguồn tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh

Đây là tín hiệu vui giúp các ngân hàng cải thiện chi phí vốn trong bối cảnh phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giai đoạn khó khăn.

CASA tăng mạnh

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có xu hướng tăng mạnh tại các nhà băng khi lãi suất tiết kiệm giảm sâu. Dòng tiền rẻ bắt đầu có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư nên muốn gửi tạm ngân hàng hưởng lãi suất không kỳ hạn, thay vì kỳ hạn dài như trước.

Kết thúc quý đầu năm nay, Techcombank tiếp tục duy trì danh hiệu quán quân về CASA với tỷ lệ 40,5%, tăng 0,6% so với cuối năm ngoái, đồng thời soán ngôi dẫn đầu của MB về CASA trong quý cuối năm rồi.

Còn MB đứng vị trí thứ hai với tỷ lệ CASA đạt 36,1% tính đến hết quý I/2024. MB từng soán ngôi dẫn đầu CASA của Techcombank vào cuối năm 2023, nhưng lại có sự điều chỉnh nhẹ trong quý đầu năm nay.

Ngân hàng đẩy mạnh thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Ngân hàng đẩy mạnh thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Trước đó, tỷ lệ CASA đạt 40,1% cuối năm 2023, giữ vững ngôi vị quán quân về CASA năm thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, tổng tiền gửi khách hàng tại MB giảm 1,5% trong quý I/2024, xuống 558.826 tỷ đồng.

Vietcombank xếp thứ ba trong hệ thống về CASA tính đến hết quý I/2024, với tỷ lệ 33,2%, nhưng giảm 0,7% so với cuối năm 2023.

Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng CASA lần lượt thuộc về các ngân hàng: MSB, TPBank, VietinBank, ACB, BIDV, Sacombank và VPBank. Tuy nhiên, Top 10 CASA không có thay đổi so với thời điểm ba tháng trước.

Nhìn chung hàng loạt nhà băng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA phục hồi trở lại. Đơn cử như tại MSB, ước tính kết thúc quý I/2024, tỷ lệ CASA đạt khoảng 29%, tăng 3% so với cuối năm 2023.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, do lãi suất thấp, mọi người cũng không có động cơ gửi tiết kiệm nhiều, mà giữ tiền trong tài khoản thanh toán, chờ cơ hội chuyển sang những kênh khác.

Mục tiêu lên cao

Tại ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát thông tin, quý I/2024, huy động tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và năm nay ngân hàng đặt mục tiêu giữ vị trí top 5.

MSB cho biết, trong xu hướng phục hồi của CASA toàn hệ thống, Ngân hàng thúc đẩy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn với mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường thông qua những tiện ích hấp dẫn hơn cho sản phẩm, dịch vụ, hướng tới mục tiêu chung về tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi giai đoạn 2023-2027 trong khoảng 35- 40%.

Với VPBank, CASA trở thành điểm sáng trong hoạt động huy động năm 2023 với quy mô đạt 78.200 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cuối năm 2022, trong đó khách hàng cá nhân chiếm 61% tỷ trọng. Trong năm nay, thông qua chiến lược phủ phân khúc và các giải pháp thanh toán số vượt trội, VPBank đặt mục tiêu tham vọng tiếp tục nhân đôi tiền gửi không kỳ hạn từ mảng bán lẻ, nhằm góp phần giảm chi phí vốn.

Techcombank cho biết, để thu hút CASA, ngân hàng tập trung vào ba nhu cầu quan trọng của khách hàng là giao dịch, vay vốn và đầu tư. Khi khách hàng hài lòng, tin tưởng sử dụng các dịch vụ tại ngân hàng sẽ trở thành tài khoản giao dịch chính và tiền sẽ thường xuyên qua ngân hàng. “CASA chính là trụ cột quan trọng, trong chiến lược của ngân hàng đặt ra với tỷ lệ 55%”, đại diện Techcombank cho biết.

Cuộc đua CASA sẽ tiếp tục “nóng” lên trong năm 2024. Bởi thực tế, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng CASA trên tổng tiền gửi. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất có kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống đang là 1,7-4%/năm và từ 6 tháng đến 12 tháng đang được áp dụng 4-4,8% và trên 12 tháng là 5-6%...

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), từ đó có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguon-tien-gui-khong-ky-han-tang-manh-d215652.html