Hà Nội: Phản biện về mức thu các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục

Ngày 13-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ sở quản lý thu đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, từ năm 2013 các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội triển khai thực hiện các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục (thu khác) theo quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về thẩm quyền danh mục, mức thu đối với khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, do chưa có văn bản thay thế Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nên có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, mức thu các khoản thu khác theo Quyết định số 51/2013/QĐ- UBND được thực hiện từ năm 2013 (đến nay đã hơn 10 năm), Nhà nước đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,150 triệu đồng/hệ số lên 1,800 triệu đồng/hệ số với tỷ lệ tăng khoảng 56,5%; mặt khác tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 so với năm gốc 2013 của TP Hà Nội là 33,44%.

Tại dự thảo quy định mức trần các khoản thu dịch vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập TP quy định: Dịch vụ bán trú: Tiền ăn của học sinh 35 nghìn đồng/ học sinh/ngày đối với bữa trưa, 20 nghìn đồng/học sinh/ ngày đối với bữa sáng; Dịch vụ chăm sóc bán trú 235 nghìn đồng/ học sinh/tháng; Trang thiết bị bán trú: 200 nghìn đồng/học sinh mầm non/năm học, 133 nghìn đồng/học sinh tiểu học, THCS/năm học.

Dịch vụ học 2 buổi/ ngày đối với cấp THCS là 235 nghìn đồng/ học sinh; nước uống 16 nghìn đồng/học sinh/tháng. Ngoài ra còn có các quy định dịch vụ giáo dục ngoài giờ...

Các ý kiến góp ý cùng văn bản góp ý tại hội nghị đều cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở GD-ĐT về quy định, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ bản các ý kiến đều tán thành với việc ban hành Nghị quyết với mục tiêu bảo đảm tính công khai, dân chủ trong thực hiện các quy định dịch vụ giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị quan tâm đến việc quản lý thu-chi theo đúng quy định; bổ sung báo cáo đánh giá tác động của nghị quyết đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học; xem xét mức trần tối đa của 1 học sinh… đảm bảo tính ưu việt, nhân văn của nghị quyết; có quy chế khuyến khích mức đóng góp của phụ huynh theo tinh thần xã hội hóa đối với nhóm đối tượng khó khăn cần hỗ trợ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-phan-bien-ve-muc-thu-cac-dich-vu-ho-tro-hoat-dong-giao-duc-post569806.antd