Vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu ngày càng khởi sắc

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ cây con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất… nên cuộc sống của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu có bước phát triển rõ nét. Diện mạo các phum sóc ngày càng khởi sắc.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ngày càng phát triển

Về Bạc Liêu, đi qua từng con đường, ngõ xóm, chúng tôi bắt gặp sắc diện mới trải lối về tận các phum sóc vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đang bừng lên những gam màu tươi sáng.

Đến với đồng bào Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), đi trên con đường xanh, sạch, đẹp, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự đổi thay của vùng quê này. Từng là những xóm nghèo của xã nhưng nay các ấp Cù Lao, Cái Giá, Sóc Đồn, Nước Mặn… đã được phủ lên mình một diện mạo mới. Từ trung tâm xã dẫn về các ấp, sự khang trang đến từ những căn nhà tường, trường học và chùa Khmer làm cho phum sóc thêm phần khởi sắc.

Bà con Khmer ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) chung tay xây dựng tuyến đường xanh – sạch – đẹp, góp phần diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc.

Ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu có hơn 80% đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi bị đắm chìm trước vẻ đẹp của làng quê và những con người đang ra sức xây dựng ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Theo chân Trưởng ấp Cái Giá, chúng tôi đến nhà anh Danh Sua, một nông dân Khmer tiêu biểu về sự cần cù lao động, quyết chí vươn lên làm giàu. Qua rồi những tháng ngày vất vả, cuộc sống gia đình anh nay đã khấm khá với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Danh Sua cho biết: "Ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì nhân dân ở đây cũng rất vui khi nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chợ cũng được nâng cấp, sửa chữa. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo".

Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) là ấp có đồng bào Khmer nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu (hơn 95%). Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được triển khai để giúp người dân thay đổi suy nghĩ, chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Anh Danh Nuôl, ấp Đầu Sấu Tây (xã Lộc Ninh) chăm sóc đàn gà từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội .

Anh Danh Nuôl ở ấp Đầu Sấu Tây chia sẻ: "Trước đây kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Nhưng từ khi được Hội Cựu chiến binh xã tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, tôi đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý trong sản xuất cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng nên cuộc sống đã ngày một khấm khá hơn. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác trong ấp cũng vậy, thậm chí có hộ còn xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng… Tất cả những thay đổi trên là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con Khmer".

Ông Võ Văn Thum, Chủ tịch xã Lộc Ninh cho biết: Những năm qua, Lộc Ninh rất quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ nhà tình thương, vốn vay, cây con giống, phương tiện sản xuất... Đặc biệt, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã giúp xây dựng nhiều công trình cầu, đường, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tín dụng ưu đãi... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Hơn hết, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào DTTS và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nên hộ nghèo ở xã đã giảm nhanh, bền vững, hộ khá, giàu tăng lên. Nếu như đầu năm 2022, Lộc Ninh còn 34 hộ DTTS nghèo thì đến cuối năm chỉ còn 24 hộ DTTS nghèo".

Khi đời sống kinh tế được cải thiện, bà con Khmer tích cực tham gia vào các công trình, phần việc xây dựng quê hương, nhất là phong trào làm lộ giao thông nông thôn, xây cầu, sửa đường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trong xóm ấp…

Ông Sơn Song, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Biển Trên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: "Không chỉ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, bà con Khmer còn đóng góp vì lợi ích của cộng đồng, nhất là hiến đất làm lộ, xây cầu, làm trụ điện… Nhờ vậy, bộ mặt phum sóc không ngừng được mới, đời sống bà con ngày càng nâng lên, chung tay góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước".

Phát triển đàn dê từ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 giúp anh Thạch Ty ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) có thu nhập ổn định.

Ông Quách Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, cho biết: "Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sinh kế cho bà con đồng bào Khmer, xã còn thường xuyên tiếp xúc, tuyên truyền cho bà con về những lợi ích thiết thực mà các công trình công cộng mang lại. Vì vậy, khi xã phát động các phong trào như làm giao thông nông thôn, vận động trẻ em đến trường, giữ gìn vệ sinh môi trường… bà con đều nhiệt tình ủng hộ".

Ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình 1719) tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS, với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng và hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng 15% của tỉnh. Riêng năm 2022 và 2023, nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh dành ra gần 47 tỷ đồng để triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình.

Chương trình 1719 đã giúp đồng bào DTTS vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước; những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo.

Nếu như đầu năm 2022, theo tiêu chí nghèo đa chiều, toàn tỉnh Bạc Liêu có 11.493 hộ nghèo (chiếm 5,09%) và 14.755 hộ cận nghèo (chiếm 6,54%) thì đến đầu năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 7.229 hộ (chiếm 3,19%) và hộ cận nghèo giảm còn 12.022 hộ (chiếm 5,32%). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số được giảm đáng kể còn 1.624 hộ (chiếm 7,46%/tổng số hộ dân tộc thiểu số).

Ông Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong hai năm 2022 và 2023, nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh gần 47 tỷ đồng, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, có 2 dự án khó giải ngân trong đó có dự án 6 là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của các các cấp, các ngành đã giúp diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là cơ sở để Bạc Liêu tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS.

Trong quá trình triển khai, Bạc Liêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp, khóm khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Tỉnh đã triển khai tương đối đầy đủ về cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, thực hiện Chương trình; phân khai nguồn Trung ương, đối ứng vốn của địa phương và ban hành các Kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể các chính sách được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Một số địa phương cũng đã từng bước giải ngân các dự án, tiểu dự án được giao phụ trách, sớm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định, việc hỗ trợ cho người dân vay vốn tại Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS) đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng...

Gia Uyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vung-dong-bao-dan-toc-khmer-o-bac-lieu-ngay-cang-khoi-sac-16923111715113707.htm