Vui chơi Tết Trung thu ở đâu tại Hà Nội?

Nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đến một không gian vui rằm tháng Tám theo phong cách truyền thống, mang lại nhiều cảm xúc cho người dân, nhất là thiếu nhi.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa để phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, nhiều đơn vị, tổ chức đã chuẩn bị nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đến một không gian vui rằm tháng Tám theo phong cách truyền thống, mang lại nhiều cảm xúc cho người dân, nhất là thiếu nhi.

Tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sẽ diễn ra Lễ hội Trung thu 2023. Ở đây sẽ có khu trưng bày ngoài trời với các loại đồ chơi truyền thống như đầu lân sư, mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con giống, trống ếch... rực rỡ sắc màu.

Các em thiếu nhi sẽ tham gia trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu, tìm hiểu nghề truyền thống (thêu, gốm, mây tre đan, làm nón, hoa đất, chần bông ghép vải), làm bánh, chơi các trò chơi kết hợp kỹ năng phòng cháy chữa cháy, khoa học, khám phá.

Đặc biệt Lễ hội Đêm rằm (tối 15/8 âm lịch) sẽ có phần diễu hành đường phố; Liên hoan nhảy múa dân vũ, đồng dao thiếu nhi, phá cỗ trông trăng với mâm cỗ Trung thu chủ đề “Đêm hội đoàn viên”...

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) sẽ trưng bày tư liệu “Trở về Trung thu xưa”. Với gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh, triển lãm sẽ giúp công chúng tìm hiểu nghi lễ Tết trung thu chốn hoàng cung, không khí Tết Trung thu rộn ràng trên phố phường Hà Nội xưa.

Tại đây còn có không gian sắp đặt vui Tết trung thu cho trẻ em qua các sản phẩm đồ chơi truyền thống. Các em được trải nghiệm làm con giống bột trong “Lớp học tò he” cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu (làng Xuân La, Phú Xuyên); làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, Hoài Đức), Hà Nội.

Rực rỡ đèn kéo quân. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Bên cạnh đó, còn nhiều sự kiện đậm nét văn hóa truyền thống dành cho du khách trong và ngoài nước diễn ra tại các điểm di sản trong phố cổ Hà Nội, không gian bích họa phố Phùng Hưng từ ngày 22-28/9.

Tại nhà hàng Ngon Garden (70 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) diễn ra chuỗi sự kiện “Thu xưa về trong phố”. Tại đây lần đầu tiên sẽ lập kỷ lục về con đường lồng đèn dài nhất với 100 % sản phẩm "made in Vietnam".

Trong 4 ngày diễn ra sự kiện (23-24 và 28-29/9), khi đến đây, thực khách sẽ được tặng nhiều điều bất ngờ, không chỉ là niềm vui cho thiếu nhi, mà người lớn có thể cùng con trẻ chạm vào ký ức tuổi thơ xưa.

Trong đó sẽ có không gian trưng bày đồ chơi gần trăm năm tuổi; khu chợ trung thu truyền thống; con giống nặn bằng bột được phục dựng qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Một khung ảnh gia đình Hà Nội xưa sẽ được đặt trang trọng trong 1 gia đình Hà Nội nay; đêm rước đèn dưới con đường lồng đèn lung linh, kỳ ảo cùng món quà dễ thương từ chú Cuội, chị Hằng…

Tất cả đã được ê kíp Ngon Garden chuẩn bị sẵn sàng, làm nổi bật giá trị cốt lõi “gặp lại” và “tiếp nối”, qua đó những em bé sẽ hiểu hơn về trung thu truyền thống, để rồi trân quý, giữ gìn, tiếp tục trao truyền giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mùa Trung thu năm nay, Sân khấu Lệ Ngọc mang đến hai siêu phẩm thiếu nhi mang tên “Dế Mèn” và “Đám cưới con gái chuột” với tinh thần nhân văn, gam màu tươi sáng. Trong đó, đạo diễn của “Đám cưới con gái chuột” là ông Chua Soo Pong, người Singapore.

Ông là bậc thầy về vũ đạo và diễn xuất, được mời làm giám khảo các cuộc thi sân khấu ở nhiều nơi trên thế giới. Qua cách kể chuyện của ông, “Đám cưới con gái chuột” mang nhiều dấu nhấn khác lạ giúp khán giả tìm được sự trải nghiệm thú vị trong nhiều chi tiết bất ngờ. Không chỉ là bầu không khí dân gian, các vở diễn chắc chắn mang lại những tiếng cười sảng khoái với những tình huống dí dỏm, hài hước cho trẻ em./.

Thanh Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vui-choi-tet-trung-thu-o-dau-tai-ha-noi/307009.html