Vụ Văn hóa, Giáo dục tổ chức sinh hoạt chuyên đề 'Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo'

Chiều 14.12, Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội, tổ chức sinh hoạt chuyên đề 'Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo'. Hoạt động nhằm mục đích đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu tham mưu, phục vụ gắn với hoạt động chuyên môn.

Nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khó khăn trang bị kiến thức, kỹ năng số

Trong thời gian qua, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu, là chủ đề được quan tâm. Đây là việc ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ kỹ thuật số và hệ thống kết nối Internet vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

Chuyển đổi số trong giáo dục thể hiện ở 2 bình diện: công tác quản lý, bao gồm quản lý nhà nước về hệ thống và quản trị của cơ sở giáo dụ; và hoạt động chuyên môn, gồm giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá.

Đây là sinh hoạt chuyên đề thứ 3 của Vụ Văn hóa, Giáo dục nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu tham mưu, phục vụ

Theo báo cáo chuyên đề của Nhóm Giáo dục và Đào tạo, Vụ Văn hóa, Giáo dục, ở Việt Nam, nhận thức về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nói riêng từng bước được nâng lên; khung khổ pháp lý triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo dần được thiết lập và hoàn thiện.

Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; ứng dụng công nghệ trong quản lý hệ thống và quản trị nhà trường được đẩy mạnh; việc áp dụng chuyển đổi số cũng đã góp phần thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời và xây dựng được kho tài học liệu số; mô hình, phương thức dạy, học và kiểm tra đánh giá được đổi mới…

Ông Hoàng Văn Lợi, Chuyên viên cao cấp, Vụ Văn hóa, Giáo dục, trình bày báo cáo chuyên đề

Tuy nhiên, nhận thức của xã hội nói chung, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học về vị trí, vai trò của chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, đúng đắn; việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho các đối tượng này còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội chưa thực sự hiệu quả; các quy định pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chưa được hoàn thiện… Bởi vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ nhận thức, mong muốn tới hành động còn có những khoảng cách.

Lấp “khoảng trống pháp lý”

Tại sinh hoạt chuyên đề, các ý kiến thống nhất chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo còn có đặc thù so với những ngành khác, đó là ngành vừa áp dụng, vận dụng chuyển đổi số, vừa tạo ra nhân lực để thực hiện quá trình chuyển đổi số này.

Thực tiễn việc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cho thấy, bên cạnh những kết quả, còn có một số vấn đề cần quan tâm, như: nguồn lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số; sở hữu trí tuệ và an ninh thông tin; vai trò, vị thế của giáo viên khi chuyển đổi số giáo dục; việc tiếp cận của các đối tượng khác nhau trong học tập suốt đời; vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em – người học….

Nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm tới vai trò, vị thế của giáo viên khi chuyển đổi số giáo dục và đào tạo; việc tiếp cận của các đối tượng khác nhau trong học tập suốt đời; vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em – người học…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chuyển đổi số đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới đòi hỏi các nhà lập pháp phải có sự nhìn nhận nghiêm túc thực trạng của hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp. Theo đó, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cần tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện các quy định về: khai thác và chia sẻ dữ liệu; việc tổ chức, quản lý hiệu quả các khóa học trực tuyến (điều kiện triển khai; việc quản lý cấp phép, chế tài xử lý vi phạm… đối với các chương trình, khóa học…); việc đổi mới hình thức, mô hình học tập và giảng dạy, công nhận kết quả kiểm tra đánh giá trong đào tạo trực tuyến; việc bảo đảm an ninh, an toàn trong thu thập, sở hữu, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân…

Đây cũng là những vấn đề đặt ra cho cán bộ, chuyên viên của Vụ Văn hóa, Giáo dục trong việc nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo phát biểu tại sinh hoạt chuyên đề

Phát biểu tại sinh hoạt chuyên đề, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo cho rằng: Dạy học trực tuyến đang phát triển, nhất là sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là dạy học trực tuyến, dạy học từ xa mà còn nhiều nội dung từ trong giáo trình, phương thức giảng dạy... và còn có nhiều vấn đề đang đặt ra, cần tiếp tục nghiên cứu.

Nội dung chủ đề sinh hoạt chuyên đề của Nhóm Giáo dục và Đào tạo chọn khá phù hợp, bởi đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới từng người, từng nhà, mà còn rất quan trọng với công việc của Nhóm nhằm có những nghiên cứu, tham mưu để có các chính sách phù hợp trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Sinh hoạt chuyên đề được tổ chức với mong muốn cung cấp thông tin, kiến thức, từ đó giúp các chuyên viên của Vụ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn. Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo kỳ vọng sắp tới các sinh hoạt chuyên đề sẽ được các tiểu ban, nhóm chuyên môn của Vụ phát huy sáng kiến, sáng tạo, không ngừng đổi mới để đi vào thực chất, chọn vấn đề trúng vào những nội dung mà công tác tham mưu đang cần..

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/vu-van-hoa-giao-duc-to-chuc-sinh-hoat-chuyen-de-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-va-dao-tao-i354223/