Tính toán kỹ phương án tăng lương tối thiểu vùng

Ngày 9-8 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2024. Theo đó, đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn tăng lương năm 2024 mức 5-6%.

Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI

Thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo NLĐ và cán bộ Công đoàn. Nhất là thời điểm NLĐ gặp khó khăn vì thu nhập thực tế giảm, còn doanh nghiệp (DN) gặp khó vì thiếu đơn hàng, liệu LTTV năm 2024 sẽ tăng hay giữ nguyên?

NLĐ mong chờ

Chị Lê Thị Thu, công nhân tại Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa cho biết, NLĐ đang đối mặt với nhiều khó khăn do việc làm giảm nên rất mong muốn tăng lương trong năm 2024. “Trong khi giá cả các mặt hàng và nhiều dịch vụ khác vẫn tăng, mức lương hiện tại của NLĐ khó đảm bảo cuộc sống. Việc tăng lương sẽ góp phần chia sẻ một phần khó khăn với NLĐ” - chị Thu chia sẻ.

Theo Bộ LĐ-TBXH, việc điều chỉnh tăng LTTV sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho DN phát triển thì mới tạo được việc làm cho NLĐ.

Tương tự, anh Trương Minh Đạt, công nhân Công ty TNHH Tenma Việt Nam (TP.Biên Hòa) cũng bày tỏ mong muốn sớm được tăng LTTV. Theo anh Đạt, hiện nay DN cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng đời sống của NLĐ cũng rất chật vật. Hiện nhiều lao động không tăng ca nên thu nhập không đủ chi phí trả tiền trọ, sinh hoạt và chuẩn bị học phí vào năm học mới cho con. Vì thế, tăng LTTV sớm cũng là chính sách để NLĐ đảm bảo cuộc sống, yên tâm làm việc, gắn bó với DN.

Còn công nhân Trần Minh Hương, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) cho hay, thời gian qua, NLĐ đã thấu hiểu, chấp nhận nghỉ việc không lương đợi DN có đơn hàng trở lại. Ngoài ra, những lúc DN khó khăn trước đây, Chính phủ đã chia sẻ với DN khi không tăng LTTV và NLĐ đã đồng lòng với quyết định đó. Nhưng hiện nay, NLĐ cần sớm được tăng lương để bù đắp lại phần trượt giá đang phải gánh chịu.

Thực tế, từ năm 2022 đến nay, nhiều NLĐ do giảm việc làm, thu nhập không đảm bảo mức sống đã nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc vay tín dụng đen để trang trải cuộc sống. Các cấp Công đoàn đã vận động NLĐ chung tay chia sẻ khó khăn với DN. Song, trong bối cảnh hiện nay, nhiều NLĐ và cán bộ Công đoàn đang rất mong muốn LTTV có mức tăng hợp lý xét trên mức độ trượt giá và đời sống của NLĐ.

Đề xuất tăng LTTV 6%

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước khi phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia được diễn ra, tổ chức Công đoàn đã khảo sát mức sống NLĐ ở gần 200 DN thuộc 6 tỉnh, thành. Kết quả, trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu; hơn 17% NLĐ phải vay tiền chi tiêu. Đối với tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu đồng/tháng. Căn cứ kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương NLĐ, tổ chức Công đoàn mong muốn điều chỉnh tiền LTTV để bù đắp chỉ số trượt giá với mức tăng 5-6%.

Công nhân sinh hoạt tại nhà trọ ở P.Long Bình, TP.Biên Hòa sau giờ tan ca

Chia sẻ về đề xuất tăng LTTV của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang (TP.Biên Hòa) cho hay, nhiều DN vẫn trong tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới khiến đơn hàng giảm mạnh và đang tìm các phương án sản xuất để giữ việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ lại khó khăn hơn vì thu nhập giảm dẫn tới cuộc sống không đảm bảo.

LTTV tăng hay không còn phụ thuộc vào kết quả các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong năm nay với tối đa 3 phiên họp. Sau phiên họp thứ nhất, dự kiến, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp lần 2 vào tháng 11-2023 để bàn, đánh giá tình hình thực tế, từ đó đề xuất mức tăng LTTV cho năm sau với mục tiêu trong lần tăng vào năm 2024 là phải bảo đảm cao hơn mức sống tối thiểu của NLĐ.

“Tôi nghĩ cần tăng LTTV cho NLĐ vào năm 2024 nhưng có sự hài hòa và mức tăng phù hợp so với “sức khỏe” của DN” - ông Phúc chia sẻ.

Đồng tình quan điểm trên, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở tại DN trên địa bàn tỉnh cho hay, tình hình các DN thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm trong thời gian qua đã dẫn đến thu nhập của NLĐ giảm. Thậm chí, nhiều NLĐ bị mất việc, nghỉ việc không lương. Chưa khi nào NLĐ mong muốn có việc làm ổn định như bây giờ để có thể đảm bảo mức lương đủ sống của mình.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm 1 lần đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, đã phần nào phản ánh những khó khăn trong đời sống của NLĐ. Việc xem xét tăng LTTV trong năm 2024 được cho là rất cấp thiết. Về mức tăng, Hội đồng tiền lương quốc gia cần cân nhắc cụ thể nhằm giúp cho NLĐ đảm bảo được đời sống của mình.

Tuy nhiên, đại diện các DN cho biết, họ đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, vốn, hàng bị trả lại khiến doanh thu giảm, thậm chí không có doanh thu. Nhiều DN phải xoay xở đi tìm nguồn hàng nhằm giữ việc làm cho NLĐ. Vì vậy, các DN mong lùi thời gian tăng LTTV để chia sẻ khó khăn cùng DN.

Các DN cũng dự báo từ nay đến cuối năm 2023, đơn hàng vẫn chưa ổn định và DN chưa thể khôi phục sản xuất như trước. Việc tính toán tăng lương cho NLĐ là áp lực rất lớn. Đại diện Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho hay, việc ưu tiên hiện nay là đảm bảo việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, việc thực hiện đầy đủ các chính sách cũng là cách để giữ chân lao động.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành viên tham gia đàm phán tăng LTTV cho NLĐ nhận định, trước những thách thức về thiếu hụt đơn hàng, cắt giảm việc làm, Công đoàn, NLĐ đã chia sẻ với khó khăn của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để tiền lương thực tế của NLĐ không bị giảm sút. Mức tăng cũng cần xem xét trong khả năng chi trả của DN. Trong quá trình thương lượng các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí, chia sẻ.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc tăng LTTV vào năm 2024. Song điều quan trọng là DN và NLĐ cần chia sẻ, đồng lòng vượt qua khó khăn để cùng phát triển lâu dài. DN cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách để động viên NLĐ làm việc có năng suất, chất lượng. Cùng với đó, phải để tiền lương thực sự là động lực để NLĐ thi đua sản xuất, góp phần thúc đẩy DN phát triển nhưng cũng hài hòa với khả năng của DN.

Lan Mai

Bà MAI THỊ HƯƠNG, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch):

Nỗ lực đảm bảo việc làm cho NLĐ

Thời điểm này, nếu đàm phán tăng LTTV cho NLĐ với chủ DN rất khó khăn khi mà trong năm nay, việc sản xuất vừa khôi phục. Song để cải thiện đời sống công nhân, việc tăng lương là cần thiết. Do đó, chủ DN và NLĐ cần tăng cường đối thoại, chia sẻ tình hình sản xuất để NLĐ biết và cùng chia sẻ. DN cần thực hiện tốt chính sách để tạo niềm tin, động lực cho công nhân.

Anh TRẦN VĂN HÀNG, công nhân Công ty Hữu hạn công nghiệp Toàn Cầu (H.Trảng Bom):

Tăng lương nhằm đảm bảo cuộc sống NLĐ

Việc tăng lương theo vùng giúp NLĐ có thêm chi phí để trang trải cuộc sống. Thời gian qua, NLĐ đã chia sẻ với DN trong trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng nhưng cuộc sống của lao động cũng rất bí bách khi thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao. Việc tăng lương sẽ tạo động lực cho NLĐ gắn bó, tạo ra sản phẩm chất lượng để cùng DN phát triển.

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202308/tinh-toan-ky-phuong-an-tang-luong-toi-thieu-vung-3174269/