Doanh nghiệp 'toát mồ hôi' vì chi phí tuân thủ bền vững ở châu Âu

Kể từ khi Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) được nhất trí vào năm 2019, với mục tiêu đưa khối này đạt mức zero ròng về phát thải carbon (Net-Zero) vào năm 2050, hàng chục luật mới liên quan đến bền vững đã được giới thiệu. Nhưng chi phí để tuân thủ chúng quá tốn kém, nằm ngoài khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là từ các nước đang phát triển.

Thỏa thuận Xanh của EU áp đặt hàng loạt quy định quản lý bền vững. Để tuân thủ đầy đủ chúng, doanh nghiệp sẽ tốn kém khoản chi phí khổng lồ. Ảnh: complianceandrisks.com

Thỏa thuận Xanh của EU áp đặt hàng loạt quy định quản lý bền vững. Để tuân thủ đầy đủ chúng, doanh nghiệp sẽ tốn kém khoản chi phí khổng lồ. Ảnh: complianceandrisks.com

Doanh nghiệp đối mặt “rừng” quy định quản lý bền vững

Các điều luật mới nhất của EU yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán chuỗi cung ứng về tổn hại môi trường và vi phạm nhân quyền, chứng minh các hàng hóa nông nghiệp như thịt bò và cà phê không phải nguồn gốc từ đất rừng bị phá.

Richard Sterneberg, người đứng đầu bộ phận quan hệ chính phủ toàn cầu của hãng luật DLA Piper, cho biết, số lượng quy định quản lý bền vững hiện nay của EU lớn chưa có tiền lệ. “Đồng thời, có nhiều quy định tương tự sắp có hiệu lực. Chi phí tuân phủ các quy định này rất cao và chỉ những công ty lớn mới có thể tuân thủ dễ dàng”, ông nói.

Một số công ty buộc loại bỏ các nhà cung cấp ở những nước không có khả năng thu thập dữ liệu cần thiết để tuân thủ Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD). Được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng trước và dự kiến có hiệu lực vào năm 2027, chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp ở EU và ngoài EU có doanh thu đáng kể trong khối phải đảm rằng chuỗi cung ứng của họ không vi phạm quyền của người lao động hoặc gây tổn hại môi trường.

Thay vì tuân thủ chỉ thị này, nhiều công ty có thể chọn cách rời thị trường EU. “Các quy định bền vững đang tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư vào châu Âu. EU muốn thiết lập chương trình nghị sự bền vững trên toàn cầu, nhưng các nước khác không làm theo, nên không thể tạo một sân chơi bình đẳng”, Sterneberg nói.

Tuy nhiên, Thỏa thuận Xanh mang lại cơ hội lớn cho các hãng luật. Thomas Delille, đối tác trong lĩnh vực thực hành chính sách công EU của hãng luật Squire Patton Boggs cho biết, hoạt động kinh doanh của hãng đang tăng nhanh chóng.

“Nhiều điều luật khác nhau của EU đặt ra một loạt nghĩa vụ mới đối với các nhà điều hành kinh tế, tập trung vào khái niệm thẩm định bền vững. Các công ty cần bắt đầu nỗ lực tuân thủ những luật này dù thiếu hướng dẫn về cách giải thích và thực thi luật”, Delille nói.

Một chỉ thị khác của EU, có tên gọi Chỉ thị báo cáo bền vững doanh nghiệp (CSRD, khác với CSDDD) yêu cầu kể từ năm tới, doanh nghiệp phải báo cáo về tác động từ hoạt động kinh doanh của họ đối với môi trường và con người. Mục đích là để cho phép nhà đầu tư thẩm định rủi ro và cơ hội tài chính từ các vấn đề liên quan đến bền vững.

Chỉ thị này ảnh hưởng khoảng 50.000 doanh nghiệp ở EU. Các doanh nghiệp không thuộc EU nhưng có doanh thu lớn ở khối này cũng phải tuân thủ CSRD, bất kể có niêm yết hay không. Các điều kiện để buộc họ phải tuân thủ chỉ thị là có doanh thu hàng năm ghi nhận ở EU (trên báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng) vượt quá 150 triệu euro trong hai năm tài chính liên tiếp gần nhất. Hoặc doanh nghiệp có tối thiểu 1 công ty con ở EU với doanh thu hàng năm cao hơn 40 triệu euro so với năm tài chính trước đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp không thuộc EU nhưng đang niêm yết chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) ở thị trường EU cũng phải tuân thủ.

EU chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cho giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ tháng 10-2023, nhắm vào hàng hóa nhập khẩu trong các lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất. Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu phải báo cáo dữ liệu phát thải carbon của các mặt hàng liên quan. Ảnh: KResearch

EU chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cho giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ tháng 10-2023, nhắm vào hàng hóa nhập khẩu trong các lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất. Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu phải báo cáo dữ liệu phát thải carbon của các mặt hàng liên quan. Ảnh: KResearch

Chi phí tuân thủ lên đến gần 100 triệu đô la

Đa số các công ty không muốn nói về chi phí tuân thủ quy định quản lý bền vững. Nhưng đại diện của một công ty đa quốc gia nói với Financial Times rằng, cách hiệu quả về mặt chi phí duy nhất để tuân thủ chỉ thị CSRD là số hóa mọi thứ. Giải pháp này có thể khó khăn ở một số nước đang phát triển, nơi các nhà cung cấp vẫn sử dụng chứng từ thương mại bằng giấy.

Công ty đa quốc gia này ước tính đã tốn kém 18 triệu đô la Mỹ trong 3 năm qua để tự động hóa dữ liệu phát thải carbon. Công ty dự báo sẽ tốn thêm 50-60 triệu đô la trong 3-5 năm tới để tuân thủ đầy đủ chỉ thị CSRD.

Ngoài ra, công ty ước tính, việc tuân thủ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ tốn chi phí ít nhất 500.000 đô la mỗi năm.

CBAM được thiết kế để vệ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp nặng của EU. Các doanh nghiệp trong khối đang tốn chi phí mua chứng chỉ phát thải carbon trước sự cạnh tranh không công bằng từ các đối thủ ở những nước không đánh thuế carbon nghiêm ngặt.

Từ năm 2030, EU sẽ đánh thuế phát thải carbon đối với thép, xi măng và các sản phẩm nhập khẩu khác. Nhà nhập khẩu được yêu cáo về lượng phát thải của các mặt hàng nhập khẩu liên quan trong quí 4-2023 vào thời hạn cuối tháng 1. Nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện báo cáo này. Chẳng hạn, chỉ 10% doanh nghiệp nhập khẩu của Đức tuân thủ thời hạn báo cáo.

Các tổ chức môi trường ủng hộ những thay đổi trên. “Các cuộc khủng hoảng về khí hậu, đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường đang diễn ra, gây gián đoạn kinh doanh. Tiếp tục hoạt động kinh doanh như hiện nay hoặc tệ hơn là bãi bỏ các quy định quản lý bền vững sẽ đẩy nền kinh tế cũng như sức khỏe của người dân và môi trường của chúng ta vào một tương lai u ám”, Amandine Van Den Berghe, luật sư của tổ chức môi trường ClientEarth cảnh báo.

Một số doanh nghiệp cho rằng, vấn đề không phải là số lượng các quy định bền vững mà là những thay đổi liên tục ở cấp quốc gia.

Công ty lò sưởi hơi nước BDR Thermea (Hà Lan), chủ sở hữu các thương hiệu như Baxi và De Dietrich bắt đầu chuyển đổi từ sản xuất lò sưởi đốt bằng gas sang máy bơm nhiệt chạy bằng điện cách đây một thập niên.

Tuy nhiên, sau các cuộc biểu tình phản đối của người tiêu dùng, chính phủ Đức đã bỏ kế hoạch buộc các hộ gia đình phải sử dụng máy bơm nhiệt. Trong khi đó, các nước châu Âu khác cũng từ bỏ chính sách này hoặc chấm dứt trợ cấp cho máy bơm nhiệt sử dụng ở các hộ gia đình.

BDR Thermea đang chuyển nhân viên từ bộ phận máy bơm nhiệt sang bộ phần lò sưởi gas để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi. “Thị trường máy bơm nhiệt đang đi xuống. Chúng tôi cần sự rõ ràng về các quy định, chính sách nhất quán có thể dự đoán được và không thay đổi liên tục”, CEO Tjarko Bouman của BDR Thermea nói.

Ông hoan nghênh chỉ thị CSDDD, bất chấp chi phí tuân thủ tốn kém. “Chúng tôi là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Vì vậy, tôi tin rằng chúng tôi nên đi đầu trong việc trở thành một doanh nghiệp bền vững. Đó là điều đúng đắn nên làm”, ông chia sẻ.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-toat-mo-hoi-vi-chi-phi-tuan-thu-ben-vung-o-chau-au/