Thị trường tài chính 24h: Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II nhiều khả năng vẫn ảm đạm

VN-Index điều chỉnh nhẹ; Chỉ báo các đợt tăng của tỷ giá; Điểm đến của dòng tiền; MBS khuyến nghị 3 cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp; Chuyển sàn cũng phải hợp thời; Đồng USD ngừng lao dốc trong lúc thị trường 'đói' thông tin…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 19/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 23,2 USD lên 1.977,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nới đà tăng và lên 1.980 USD trước khi về gần 1.975 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,15 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.704 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.465 – 23.805 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 29.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã trở lại mốc 30.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD (+0,26%), lên 75,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,38 USD (+0,48%), lên 80,01 USD/thùng.

VN-Index dứt chuỗi 8 phiên tăng

Thị trường tăng điểm từ sớm và duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của VCB dù chịu nhiều áp lực do lệnh bán chốt lời xảy ra ở nhiều mã.

Tuy nhiên, thị trường trong phiên chiều đã giao dịch giằng co, giật cục khi VCB có thời điểm bật cao kéo VN-Index lên gần 1.180 điểm, một mình VCB không thể gánh nỗi thị trường khi lực cung chốt ngắn hạn diễn ra khá mạnh, khiến VN-Index lao xuống giống như lúc đi lên và chốt phiên với mức giảm nhẹ, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,85 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 282,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/7: VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,09%), xuống 1.172,98 điểm; HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,22%), lên 231,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%), lên 87,14 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào thứ Ba (18/7), được thúc đẩy bởi các cổ phiếu ngân hàng lớn và giúp Dow Jones tăng phiên thứ 7 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong hơn hai năm.

Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 6,45%, mức tăng tốt nhất trong một ngày kể từ tháng 9/2020, sau khi vượt kỳ vọng do tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh quản lý tài sản đã bù đắp cho doanh thu giao dịch suy giảm.

Các cổ phiếu khác như Bank of America tăng 4,42%, Bank of New York Mellon tăng 4,11% và PNC Financial tăng 2,51%, sau khi họ báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua cũng rất khả quan.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Dow Jones tăng 366,58 điểm (+1,06%), lên 34.951,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,19 điểm (+0,71%), lên 4.554,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 108,69 điểm (+0,76%), lên 14.353,62 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong hai tuần, được nâng lên bởi đà khởi sắc trên Phố Wall đêm qua và những bình luận ôn hòa từ người đứng đầu ngân hàng trung ương.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,24% lên 32.896,03 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,19% lên 2.278,97 điểm.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Kazuo Ueda đã báo hiệu quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong thời điểm hiện tại, nói rằng vẫn còn một khoảng cách để đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định.

BOJ sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 28/7 và thị trường đã từng đồn đoán về một sự điều chỉnh chính sách diều hâu hơn, sau một số dữ liệu tiền lương mạnh mẽ vào đầu tháng này.

"Những bình luận ôn hòa của ông Ueda đã làm giảm lo ngại về sự tăng giá mạnh của đồng yên Nhật và rất hợp lý khi thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng phục hồi", Masayuki Kichikawa, chiến lược gia vĩ mô trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Về dài hạn, "các nguyên tắc cơ bản có vẻ khá tốt đối với Nhật Bản và có lẽ chúng ta đang bước vào vòng thứ hai của một đợt tăng mạnh đối với chứng khoán Nhật Bản", ông nói thêm, dự đoán Nikkei 225 có thể vượt 35.000 điểm vào cuối năm.

Phiên này, cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên Nikkei 225 là Nissan Motor khi tăng 7,68%, sau khi tờ Nikkei đưa tin CFO của nhà sản xuất ô tô nói rằng ông muốn đưa tỷ lệ chi trả cổ tức trở lại lên mức 30%.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, với dữ liệu kinh tế yếu tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường và các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi gói kích thích có ý nghĩa như chất xúc tác tiếp theo.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,03% lên 3.198,84 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,11% xuống 3.850,87 điểm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 703,65 tỷ nhân dân tệ (98 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, Bộ Thương mại cho biết.

Thu ngân sách tài khóa của Trung Quốc đã tăng 13,3% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó, chậm hơn mức tăng 14,9% trong 5 tháng đầu năm, dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy.

Theo khảo sát, 81% người tham gia thị trường đang tìm kiếm sự nới lỏng tiền tệ để bắt đầu giải ngân. Trong khi đó, tám trong số 10 nhà đầu tư đứng về phía quan điểm giảm xếp hạng cơ cấu đối với chứng khoán Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông kéo dài đà giảm, trong bối cảnh lo ngại kéo dài về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,33% xuống 18.952,31 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,28% xuống 6.381,94 điểm.

Nhóm cổ phiếu có trọng số lớn là công nghệ giảm 1,7% với Tencent giảm 1,1%, Meituan giảm 1,4%. Trong khi các cổ phiếu giải trí hàng đầu cũng đi xuống với Macau Galaxy Entertainment mất 0,3% và Sands China giảm 0,9%.

Chứng khoán Hàn Quốc giằng co và gần như không đổi, khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi trước khi một số doanh nghiệp lớn báo cáo kết quả kinh doanh quý II và cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng chỉ 0,62 điểm, tương đương 0,02% lên 2.608,24 điểm.

Các cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,42% và SK Hynix mất 0,25%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2%.

Trong số các bluechip khác, các nhà sản xuất ô tô tiếp tục nhích lên, nhưng các công ty nền tảng trực tuyến Naver và Kakao lần lượt giảm 2,15% và 2,7%.

Đáng chú ý khác là Samsung Biologics tăng 1,23% và SK Bioscience tăng 2,15%, khi chính phủ tuyên bố giảm thuế cho ngành dược phẩm sinh học, nhưng Celltrion giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 19/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 402,14 điểm (+1,24%), lên 32.869,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,02 điểm (+0,03%), lên 3.198,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 63,41 điểm (-0,33%), xuống 18.952,31 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 0,62 điểm (+0,02%), lên 2.608,24 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chỉ báo các đợt tăng của tỷ giá

Chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi VND - USD đang ở mức âm sâu và nhìn lại quá khứ, các đợt chênh lệch lãi suất âm thường là chỉ báo cho các đợt tăng của tỷ giá..>> Chi tiết

- Điểm đến của dòng tiền

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 nhiều khả năng vẫn ảm đạm, nhưng với xu hướng lợi nhuận đã tạo đáy dần từ quý IV/2022, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động của các doanh nghiệp sẽ hồi phục dần qua từng quý. Cổ phiếu của các doanh nghiệp dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tốt đang được săn đón..>> Chi tiết

- MBS khuyến nghị 3 cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là "điểm sáng" năm 2023

MBS cho rằng, triển vọng đầu tư cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong năm nay sẽ tập trung vào doanh nghiệp có quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê trong dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và tài chính lành mạnh..>> Chi tiết

- Chuyển sàn cũng phải hợp thời

Việc niêm yết sớm sẽ có lợi như dễ huy động vốn, giá và thanh khoản cổ phiếu có khả năng tăng, nhưng các ngân hàng vẫn chờ điều kiện thị trường thích hợp..>> Chi tiết

- Đồng USD ngừng lao dốc trong lúc thị trường "đói" thông tin

Giới phân tích cho rằng, đồng USD sẽ tạm thời đi ngang cho tới khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 25-26/7 tới..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-mua-bao-cao-ket-qua-kinh-doanh-quy-ii-nhieu-kha-nang-van-am-dam-post326100.html