Thành phố Trà Vinh: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Chuyển đổi số thời gian qua đã và đang tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, giảng dạy đạt hiệu quả. Qua đó, đã giải quyết những khó khăn và từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, quản lý, từng bước tạo nên nền giáo dục thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Trà Vinh dự hội thảo Giáo dục STEM, trong đó chú trong nội dung ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục.

Tại thành phố Trà Vinh, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục”, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng chức năng, phòng thiết bị, trong đó có phòng máy tính. Đồng thời, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo đồng chí Trịnh Thanh Phong, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, Phòng đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác dạy và học tại trường giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh tiếp cận các dịch vụ giáo dục qua nền tảng số. Thực hiện trang thông tin điện tử của phòng và các trường là kênh truyền thông, giao tiếp giữa ngành và phụ huynh. Hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, học sinh việc áp dụng giáo dục số vào công việc giảng dạy, học tập và giải quyết các vấn đề liên quan trong giáo dục. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động giáo viên và phụ huynh sử dụng dịch vụ công trực tuyến của ngành giáo dục ở cấp độ 3 và 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh…

Các trường thực hiện chuyển văn bản trên hệ thống iOffce, 100% văn bản đi đến đã được xử lý qua môi trường mạng, sử dụng chữ ký số đảm bảo thuận tiện và thực hiện tốt mục tiêu số hóa, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa “Phòng - Trường” và các cơ quan, đơn vị tại địa phương. Đảm bảo các văn bản điện tử của đơn vị được phát hành, lưu trữ (quản lý văn bản đi và đến) trên hệ thống.

Hiện các trường sử dụng phần mềm quản lý trường học làm nền tảng dữ liệu cho ngành, đáp ứng yêu cầu liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu các cấp, cung cấp các dịch vụ giáo dục cho học sinh, phụ huynh như: học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử… Bên cạnh, phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, học bạ điện tử, thư viện điện tử, quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường số, chữ ký số. Trong đó có 09 trường thực hiện sử dụng học bạ điện tử (gần 5.400 học sinh), 03 trường thực hiện quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường số (trên 2.800 học sinh), 07 trường sử dụng chữ ký số để phê duyệt hồ sơ sổ sách…

Thầy Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ẩn trao đổi hiệu quả của việc ứng dụng chuyển đổi số tại các trường học.

Song song đó, triển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của mỗi trường. Mô hình giáo dục tích hợp (giáo dục STEM), giúp phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết để vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Đặc biệt, các trường chủ động xây dựng kho học liệu điện tử, thực hiện mô hình thư viện thân thiện, tiến tới thư viện điện tử (sử dụng phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách và tài nguyên phục vụ dạy học), kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa. hướng dẫn các trường khai thác và sử dụng kho học liệu số từ các trang Web của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, phân công soạn kế hoạch bày dạy trên nền tảng Povewpoint để giáo viên sử dụng trao đổi, giao lưu học tập lẫn nhau.

Ngoài ra trường còn sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý: phổ cập giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục, nghiệp vụ kế toán, quản lý tài sản, thư viện, thiết bị…

Thầy Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ẩn (xã Long Đức) cho biết: trường đã tập huấn và triển khai nhiều giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học và quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Năm học 2022 - 2023 vừa qua là năm học nhiều khó khăn vì là năm đầu tiên dùng phần mềm vnedu vào quản trị nhà trường. Tuy vậy, trường đã khắc phục khó khăn ban đầu, ứng dụng tốt giúp thay đổi nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số của đội ngũ giáo viên nhà trường và năng lực số của học sinh.

Trường Trường Tiểu học Trần Văn Ẩn xác định rõ các mục tiêu: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, xây dựng môi trường làm việc, môi trường học tập thông minh trên nền tảng số, ứng dụng các các tiện ích của công nghệ thông tin góp phần thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực… Từ đó, trường mạnh dạn áp dụng một số giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào dạy học, thực hành, tăng cường tập huấn, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên về công nghệ thông tin. Xây dựng Website, Facebook, Zalo… mang tính thương hiệu của nhà trường giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh cập nhật, tiếp cận nhanh các nội dung, các thông báo, chỉ đạo của trường. Thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục, tìm nguồn tài trợ tích cực trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập…

Chuyển đổi số trong giáo dục làm đổi mới cách thức giảng - dạy truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số trong các trường chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. Vì vậy, bắt đầu năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường chỉ đạo các trường đẩy mạnh ứng dụng các công cụ, phần mềm chuyển đổi số, phát huy hiệu quả giáo án điện tử xây dựng các bài tập tương tác trực tiếp với học sinh nhằm cải thiện chất lượng nội dung truyền đạt, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/thanh-pho-tra-vinh-day-manh-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-31199.html