Tập trung chăm sóc, chủ động phương án tiêu thụ nhãn

Thời điểm này, những vựa nhãn ở huyện Sông Mã đang ra hoa, đậu quả. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn cùng các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn người dân chăm sóc nhãn đúng quy trình kỹ thuật, chủ động xây dựng phương án tiêu thụ nhãn, đảm bảo thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Vùng trồng nhãn ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Theo nhận định của người trồng nhãn ở các xã có diện tích nhãn lớn nhất huyện như xã Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Nậm Ty, năm nay năng suất nhãn chỉ bằng 60% so với vụ nhãn năm ngoái. Bởi năm nay mưa sớm, nên nhãn phát lộc sớm mà không ra hoa; một số loại sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn năm trước...

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn các hợp tác xã, các hộ trồng nhãn trên địa bàn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân. Anh Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đã bắt đầu có mưa nhiều, thuận lợi cho cây nhãn phát triển nuôi dưỡng quả, tuy nhiên cũng là điều kiện để sâu bệnh gây hại quả nhãn. Các cơ quan chuyên môn của huyện đang tích cực phối hợp với các xã tăng cường công tác bảo vệ thực vật, hướng dẫn các hộ trồng nhãn sử dụng thuốc phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Anh Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX có 54 ha nhãn và đã được cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng nhãn năm nay dự kiến chỉ đạt 300 tấn, giảm 40% so với năm ngoái. Do vậy, HTX tập trung vào kỹ thuật tăng tỷ lệ đậu quả, giảm mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình sản xuất theo VietGAP; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, khuyến khích thành viên sử dụng phương pháp làm cỏ thủ công, sử dụng phân bón hữu cơ từ đỗ tương ngâm và chất thải động vật ủ hoai mục để bón cho nhãn.

Còn xã Chiềng Khoong, là thủ phủ của nhãn và cũng là địa phương tập trung các cơ sở, lò sấy long nhãn quy mô lớn nhất huyện Sông Mã. Ngoài việc tập trung hướng dẫn người trồng nhãn sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, xã Chiềng Khoong còn chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mở rộng quy mô các lò sấy long nhãn, thay dần các lò sấy thủ công sang các lò sấy hơi, lò nhiệt sạch để tạo ra sản phẩm long nhãn có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, cho biết: Xã có gần 900 ha trồng nhãn, trong đó, trên 130 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, 5 ha sản xuất nhãn hữu cơ, 3 HTX được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia với tổng diện tích gần 100 ha. Chúng tôi tuyên truyền người trồng nhãn thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiêm cấm sử dụng chất kích thích, chất cấm. Sẵn sàng tiêu thụ nhãn khi vào vụ, nhân dân trong xã đã đầu tư 700 lò sấy long nhãn, trong đó 200 lò hơi nhiệt sạch, 4 container, 2 kho lạnh đảm bảo tiêu thụ hết nhãn của nông dân trong xã và các xã lân cận.

Sông Mã hiện có 7.430 ha nhãn, trong đó, diện tích cho sản phẩm là 6.000 ha, với sản lượng năm 2022 ước đạt 60.000 tấn; thời gian thu hoạch nhãn dự kiến từ tháng 7 đến tháng 9. Đến nay, huyện đã có 43 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó, có 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, diện tích gần 70 ha, sản lượng dự kiến 688 tấn; 23 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, diện tích 606 ha, sản lượng dự kiến gần 6.000 tấn; 11 mã vùng trồng xuất khẩu sang Úc, New Zealand, diện tích hơn 85 ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn. Về tiêu thụ trong nước, huyện Sông Mã sẽ tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh và các tỉnh thành khác trong nước với số lượng dự kiến khoảng 21.620 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Sẵn sàng vào cuộc tiêu thụ nhãn niên vụ 2022 cho nông dân, huyện đang phối hợp với các sở, ngành để tìm hiểu thông tin, mở rộng thị trường xuất khẩu với các nước đã ký cam kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU; duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu, gửi sản phẩm nhãn chào hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn HTX, người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Lazada, Pots mart, Voso... để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn năm 2022.

Mặc dù năm nay năng suất nhãn dự kiến giảm, nhưng Sông Mã có thêm 300 ha nhãn ghép cho thu hoạch sớm. Với việc chủ động chăm sóc và có phương án sản xuất, tiêu thụ, chế biến nhãn từ ngay đầu năm, tin rằng, vụ nhãn năm nay ở Sông Mã tiếp tục thắng lợi, nhãn được giá và đảm bảo đầu ra.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tap-trung-cham-soc-chu-dong-phuong-an-tieu-thu-nhan-49072