Quản lý an toàn thực phẩm tại quận Nam Từ Liêm: Tạo chuyển biến từ nhận thức

Để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người dân, các ngành chức năng quận Nam Từ Liêm tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Đoàn kiểm tra ATTP quận Nam Từ Liêm tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra ATTP quận Nam Từ Liêm tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP).

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Nam Từ Liêm là một quận trung tâm của Thủ đô, với 28 vạn dân. Quận vẫn đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh, hình thành thêm nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại. Đi kèm với đó là những áp lực về tăng dân số cơ học, chăm sóc y tế và đặc biệt là vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP. Hiện toàn quận có 4 trung tâm thương mại; 5 siêu thị; 9 chợ truyền thống; số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm là 3.996 cơ sở. Trong đó, TP quản lý 504 cơ sở, quận quản lý 563 cơ sở, còn lại phường quản lý 2.929 cơ sở. Do đó, việc quản lý ATTP là vấn đề nan giải của Nam Từ Liêm.

Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngay từ đầu năm, UBND quận ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai. Theo đó, quận xác định nhiệm vụ quan trọng trước mắt là nâng cao nhận thức về ATTP cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Phát động triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024, quận tổ chức hội nghị triển khai và yêu cầu các ngành, UBND các phường đồng loạt vào cuộc, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức chính trị xã hội trong bảo đảm ATTP.

Hưởng ứng Tháng hành động ATTP, 10/10 phường xây dựng kế hoạch triển khai, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP cho người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Kết quả, quận đã tổ chức 3 lớp tập huấn các quy định về bảo đảm ATTP lĩnh vực y tế cho 260 người.

Đồng thời, phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận hướng dẫn quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất rau, cây ăn quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ngoài treo 50 băng rôn trên các trục đường chính, quận còn cấp phát 3.000 tờ rơi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Được tham gia hội nghị tuyên truyền các quy định pháp luật về ATTP thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, chị Phùng Thị Quyên (thôn Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1) đã thay đổi thói quen trong mua sắm và tiêu dùng. “Nhờ được các ngành chức năng tuyên truyền kiến thức về ATTP, tôi đã chú trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày; sử dụng các thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm bảo đảm sức khỏe cho gia đình” – chị Phùng Thị Quyên bày tỏ.

Tăng kiểm tra, giám sát

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, để bảo đảm ATTP, quận Nam Từ Liêm cũng đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai để cảnh cáo, răn đe. Các ngành của quận và UBND các phường tập trung ra quân quyết liệt bám sát chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới"; tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định...

Kết quả, toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 399 cơ sở, trong đó quận kiểm tra 92 cơ sở, tuyến phường kiểm tra 307 lượt cơ sở. Xử phạt vi phạm hành chính 42 cơ sở, với số tiền 167,5 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đoàn cũng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm không phát sinh sự cố gây mất ATTP, ngộ độc thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Thơm – chủ một cơ sở sản xuất bún tại làng nghề bún Phú Đô, phường Mỹ Đình 1 cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở của gia đình chị cung cấp ra thị trường trên dưới 1 tấn bún thành phẩm. Trong quá trình sản xuất, gia đình chị thường xuyên được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tới kiểm tra, giám sát và tuyên truyền về việc sản xuất an toàn.

“Được tuyên truyền và kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên, nên gia đình tôi đã ký cam kết sản xuất an toàn, nhập nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, không xả thải trực tiếp ra môi trường... Qua đó, giúp sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn được khách hàng tin tưởng” – chị Nguyễn Thị Thơm thông tin.

Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, các hoạt động truyền thông về ATTP được đẩy mạnh, triển khai dưới nhiều hình thức góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hình thành thói quen tốt về bảo đảm ATTP đối với người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn quận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa xã hội phường theo dõi công tác ATTP còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng về quản lý ATTP. Một số cán bộ làm làm công tác ATTP là kiêm nhiệm cần phải được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thay đổi nhiều và sự xuất hiện của loại hình kinh doanh thực phẩm mới (kinh doanh thực phẩm online, cung cấp đồ ăn tự nấu đến tận nhà) gây khó khăn trong công tác cập nhật, quản lý hoạt động của các cơ sở…

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm do thói quen tiêu dùng tiện đâu mua đấy. Vẫn còn hiện tượng kinh doanh thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm, điểm bán lẻ nằm sâu trong ngõ, ngách và loại hình bán hàng lưu động nên công tác quản lý và kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Do đó, quận Nam Từ Liêm kiến nghị các sở, ngành TP tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công tác ATTP tại tuyến quận, phường.

Hiện tại đã có Luật ATTP và các văn bản dưới luật, tuy nhiên cán bộ làm công tác ATTP chủ yếu là kiêm nhiệm thêm công việc, không có chế độ phụ cấp riêng. Do đó, kiến nghị Chính phủ, TP nghiên cứu áp dụng chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác ATTP.
Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-ly-an-toan-thuc-pham-tai-quan-nam-tu-liem-tao-chuyen-bien-tu-nhan-thuc.html