Sử dụng trái phép chất ma túy, 5 cầu thủ bị bắt giữ

Sử dụng trái phép chất ma túy, 5 cầu thủ đã bị bắt giữ; Việt Nam đã tiêm mũi vaccine cuối cùng phòng COVID-19 của AstraZeneca từ trước tháng 7/2023; Bệnh ho gà lan rộng tại châu Âu, là những tin nóng trong ngày 8/5.

5 cầu thủ sử dụng trái phép ma túy trong khách sạn

Ngày 8/5, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã bắt giữ 10 đối tượng gồm 5 nam, 5 nữ sử dụng trái phép chất ma túy trong khách sạn, thu giữ một số tang vật.

5 cầu thủ đang thi đấu cho Câu lạc bộ Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị bắt do sử dụng trái phép chất ma túy - Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Theo đó vào ngày 4/5, Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra phòng 501, 502 tại khách sạn Bình Minh trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Quá trình kiểm tra phát hiện có 10 đối tượng gồm: Đinh Thanh Trung (sinh năm 1988), Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 2002), Trần Thị Thủy Giang (sinh năm 2002), Trần Thị Thu Phương (sinh năm 2000) đều trú tại tỉnh Hà Tĩnh; các đối tượng Dương Quang Tuấn (sinh năm 1996, trú ở Hà Nội), Nguyễn Trung Học (sinh năm 1998, trú ở Tuyên Quang), Lý Thu Hà (sinh năm 1999) và Hà Thị Vân Anh (sinh năm 2003) đều trú ở tỉnh Đăk Nông, Lò Thị Định (sinh năm 2002, trú ở Điện Biên), Nguyễn Văn Trường (sinh năm 2003, trú ở Thanh Hóa) đang có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ nhiều tang vật và chất ma túy.

Đáng chú ý, trong số 10 đối tượng bị bắt giữ do liên quan sử dụng ma túy nói trên, 5 đối tượng là cầu thủ đang thi đấu cho Câu lạc bộ Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Thu hồi vaccine AstraZeneca vì lý do thương mại

Trước thông tin từ hãng dược AstraZeneca cho biết đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vaccine COVID-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Việt Nam đã không còn sử dụng loại vaccine này.

Vaccine Covid-19 của Oxford-AstraZeneca sẽ được thu hồi trên toàn cầu, theo Telegraph (Ảnh: Getty)

Số vaccine được cấp phép lưu hành trước đó đã hết hạn sử dụng. Sau đó, vaccine COVID-19 của AstraZeneca không tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện, chỉ còn một số loại vaccine còn hạn sử dụng được lưu trữ để sử dụng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tại thời điểm được cấp phép tại Việt Nam, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây cũng là loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, AstraZeneca là một trong những vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Các mũi vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tiêm cuối cùng ở Việt Nam trước tháng 7/2023.

Thông tin hãng AstraZeneca, từ ngày 7/5, loại vaccine này không còn được sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi công ty tự nguyện rút "giấy phép kinh doanh" tại khu vực này.

AstraZeneca cho biết việc thu hồi vaccine này là vì lý do thương mại. Hãng nói rằng, hiện đã có nhiều dòng vaccine khác hữu hiệu hơn, có khả năng phòng chống nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới hơn. Do đó, nhu cầu của thị trường với vaccine của AstraZeneca đã không còn.

AstraZeneca là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam từ tháng 2/2021. Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.

Số ca mắc ho gà cao gấp 10 lần so với 2 năm trước

Hy Lạp thúc giục người dân tiêm vắc xin chống ho gà trong lúc dịch lan rộng - REUTERS

Các nước châu Âu đã ghi nhận số ca bệnh ho gà gia tăng trong năm 2023 và quý I/2024, khi số ca mắc cao gấp 10 lần so với 2 năm trước.

Ngày 8/5, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết có tổng cộng gần 60.000 ca mắc và 19 ca tử vong, trong đó 11 ca là trẻ sơ sinh đã được ghi nhận tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong quý I.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng phổi và đường hô hấp do vi khuẩn. Bệnh có thể rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ cao đặc biệt. ECDC cho biết dịch ho gà sẽ gia tăng sau mỗi 3-5 năm, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Số ca mắc ho gà đang ở mức cao trong lịch sử. Trong 3 tháng đầu năm 2024, số ca mắc bệnh đã bằng mức trung bình của một năm trong thời gian từ năm 2012 - 2019. Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhấn mạnh: “Vaccine phòng bệnh ho gà đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả”, đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là sau thời gian giảm vì tập trung tiêm phòng COVID-19.

Hầu hết các nước châu Âu thường xuyên tiêm phòng bệnh ho gà cho trẻ em và nhiều nước cũng tiêm phòng cho phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi. ECDC cho biết một số quốc gia có thể muốn xem xét tiêm vaccine tăng cường cho trẻ lớn hơn và người trưởng thành vì khả năng miễn dịch có thể suy yếu./.

Cẩm Linh (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/nong-trong-ngay/su-dung-trai-phep-chat-ma-tuy-5-cau-thu-bi-bat-giu-664673.html