Bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người có uy tín

Sau hơn hai năm được ban hành, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội quy định mức hỗ trợ hàng tháng dành cho người có uy tín đã đi vào cuộc sống, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của TP Hà Nội đối với những 'cánh tay nối dài' ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân trao tặng quà dịp lễ tết cho người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân trao tặng quà dịp lễ tết cho người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lâm Nguyễn

Hỗ trợ đầy đủ, kịp thời

Từ tháng 1/2022, ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) đã được nhận khoản hỗ trợ bằng tiền theo Nghị quyết số 16 của HĐND TP Hà Nội. Mức hỗ trợ hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng, tương ứng với 745.000 đồng.

Tại xã Ba Vì, ngoài ông Lý Văn Phủ, còn có 2 người có uy tín ở 2 thôn khác cũng được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 16. “Số tiền dù không quá lớn, nhưng giúp những người có uy tín như chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì được TP quan tâm, chia sẻ…” - ông Lý Văn Phủ chia sẻ.

Cùng với huyện Ba Vì, các cấp chính quyền 4 huyện khác gồm: Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ cũng đang thực hiện việc chi trả khoản trợ cấp hàng tháng dành cho người có uy tín. Tổng số người có uy tín được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 16 là 119 trường hợp.

“Nhận thức được vai trò của người có uy tín, những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng này, đặc biệt là hỗ trợ hàng tháng theo Nghị quyết số 16, bảo đảm kịp thời, đúng quy định…” - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) Bùi Văn Sâm cho biết.

Ngoài chính sách thụ hưởng theo Nghị quyết số 16, những năm qua, TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời nhiều chế độ khác dành cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Điển hình là chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô được cung cấp thông tin thông qua các hội nghị tập huấn, tuyên truyền; được cấp phát báo, tạp chí; được Ban Dân tộc TP và các cấp chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết; được hỗ trợ viện phí khi bị ốm đau, hoặc hỗ trợ khi gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn…

Nhận thức đúng vai trò của người có uy tín

Thực tế đã khẳng định người có uy tín là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy, chính quyền với đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô.

Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đánh giá, Nghị quyết số 16 là chính sách riêng có, thể hiện sự lắng nghe và quan tâm lớn của TP dành cho đội ngũ người có uy tín. Số tiền hỗ trợ trực tiếp dù chưa nhiều, nhưng là động lực quan trọng để người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô.

Thời gian tới, bên cạnh thực hiện đầy đủ, kịp thời hỗ trợ theo quy định dành cho người có uy tín, Ban Dân tộc TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu TP hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị - tư tưởng để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng…” - ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết thêm.

Cùng với tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 16 bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đại diện Ban Dân tộc TP cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, phải luôn nhận thức đúng vị trí, vai trò của người có uy tín; từ đó triển khai hiệu quả các chế độ, chính sách theo quy định của T.Ư và Hà Nội; bảo đảm chăm lo tốt nhất cho người có uy tín.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-dam-chinh-sach-ho-tro-cho-nguoi-co-uy-tin.html