Kỳ 4: Để có những món quà vô giá hồi sinh nhiều cuộc đời

Theo TS. BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam, để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này, cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng,…

Hồi sinh nhiều cuộc đời từ những “trái tim bất tử”

Một ca ghép tim tại BV Việt Đức (Ảnh: BV cung cấp)

Một ca ghép tim tại BV Việt Đức (Ảnh: BV cung cấp)

Tăng cường các hoạt động truyền

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng khó khăn lớn nhất từ việc lấy tạng từ người cho chết não tại BV tuyến tỉnh không phải vấn đề chẩn đoán và hồi sức chết não mà là tư vấn để gia đình người chết não đồng ý hiến tạng. Để khắc phục điều này, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia triển khai thí điểm xây dựng mô hình Tổ tư vấn hiến tạng tại 16 BV. Sau 1 năm triển khai mạng lưới, có 33 trường hợp gia đình đồng ý hiến. Tuy mạng lưới BV vận động hiến tạng trải dài trên cả nước nhưng đến nay chỉ có 22/68 BV có quyết định thành lập Tổ tư vấn.

Theo TS. BS Dương Đức Hùng - Giám đốc BV Việt Đức, trước hết, người vận động hiến tạng phải ý thức được việc vận động là cần thiết để cứu nhiều người khác. Để thay đổi nhận thức của người nhà bệnh nhân chính là người làm y tế, tất cả cùng triển khai sẽ có kết quả”- TS.BS Dương Đức Hùng nêu quan điểm. Cũng theo TS.BS Dương Đức Hùng, đến nay, chưa có chế tài chi trả cho việc vận động hiến tạng, các y, bác sĩ làm vì cái tâm, vì người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng. Cho nên cần phải có chế tài chi trả cho người vận động hiến tạng.

TS. BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy, Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam cho biết, để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này, cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng. Việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết. Thời gian gần đây, Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng Quốc gia cũng đã tổ chức chương trình đào tạo để phát triển mạng lưới tư vấn viên hiến ghép tạng, tập huấn việc chẩn đoán chết não, hồi sức, công tác chuẩn bị lấy tạng hiến ghép cho bệnh nhân.

Bộ Y tế tổ chức cuộc họp về tăng cường công tác truyền thông, hiến tặng mô, tạng (Ảnh: Bộ Y tế)

Bộ Y tế tổ chức cuộc họp về tăng cường công tác truyền thông, hiến tặng mô, tạng (Ảnh: Bộ Y tế)

"Chìa khóa" phát triển nguồn hiến ghép tạng

PGS.TS Đồng Văn Hệ đã chỉ ra 10 “chìa khóa” để phát triển nguồn hiến ghép tạng từ người chết não. Trong đó, có 7 yếu tố liên quan đến BV gồm: có tổ tư vấn chuyên nghiệp, đào tạo liên tục, văn hóa hiến, kế hoạch, tăng cường nguồn hiến, sự ủng hộ của lãnh đạo, mạng lưới các BV. Cùng với đó là 3 yếu tố là hệ thống gồm: luật, quản lý thông tin, trung tâm điều phối.

Để công tác vận động được hệ thống hóa từ Trung ương đến địa phương và không còn mang tính chất "tản mác", tháng 4/2024, Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ở BV Chợ Rẫy được thành lập. Đây là cánh tay nối dài cho mạng lưới điều phối hiến ghép tạng Quốc gia, góp phần tạo ra nguồn tạng phong phú, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Theo TS. BS Nguyễn Tri Thức, có 4 nội dung rất quan trọng trong vấn đề hiến ghép tạng, gồm: vận động, điều phối, ghép và hồi sức. Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại BV Chợ Rẫy được thành lập ngoài việc phát triển nội dung "vận động" cũng giúp tăng cường minh bạch hóa việc hiến ghép tạng. TS. BS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: "Chi hội sẽ cố gắng đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn để nhận được nhiều sự hưởng ứng tham gia hiến tặng mô tạng sau khi qua đời của người dân, cứu giúp những bệnh nhân có chỉ định ghép nhưng không có nhiều cơ hội, kéo dài sự sống cho họ".

Tại hội nghị phát triển "Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng" khu vực phía Nam, đại diện BV đa khoa tỉnh Kiên Giang cho rằng, ở nước ngoài việc hiến tặng mô tạng chủ yếu vì mục đích nhân đạo, trong khi Việt Nam còn bị tác động bởi tình trạng mua bán tạng. Do đó, cần đặt vấn đề về chính sách hỗ trợ lại cho thân nhân, bệnh nhân hiến ghép tạng.

Trước đó, tại cuộc họp về việc tăng cường công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng và dự thảo nội dung chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhằm thúc đẩy nguồn mô, bộ phận cơ thể người hiến tặng từ người hiến chết não diễn ra vào cuối năm 2023, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và một số đơn vị đã đưa ra thảo luận nhằm tăng cường công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng như: sửa đổi Quyết định 07/2008/QĐ-BYT theo hướng bổ sung hình thức đăng ký online nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục đăng ký hiến tặng, qua đó tăng cường nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não và thúc đẩy việc sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2024; triển khai chương trình phối hợp với Bộ Công an trong việc tích hợp đăng ký hiến tặng mô, tạng vào căn cước công dân và ứng dụng trên VNeID; ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người; thiết lập ngày Hiến tạng Việt Nam,…

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là nước ta còn quá thiếu nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Thời gian tới, mỗi BV cần thành lập tổ tư vấn để có người vận động, tư vấn cho gia đình, tiên lượng trường hợp chết não để có nguồn hiến mô tạng cho người đang trông chờ từng ngày từng giờ.

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-de-co-nhung-mon-qua-vo-gia-hoi-sinh-nhieu-cuoc-doi-381168.html