Quảng Trị: Kinh phí thiếu khiến gia tăng nỗi lo cho vụ tưới

Vướng mắc, thiếu hụt nguồn kinh phí cho hoạt động phục vụ nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt với hàng tỷ đồng khiến đơn vị quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn.

Bước vào mùa hạn, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (gọi tắt là Công ty) “sốt ruột” hơn bao giờ hết. Bởi nhu cầu tưới tiêu, sản xuất, phục vụ sinh hoạt tăng cao trong khi đó nguồn thu không đủ chi cho hoạt động của đơn vị.

Với nhiệm vụ quản lý và khai thác 16 hồ chứa với tổng dung tích trên 200 triệu m3 nước, 2 đập dâng, 28 trạm bơm công suất trên 1500 Kw/h và 9 cống ngăn mặn, Công ty phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của 8/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong đó, có 60 xã và 250 hợp tác xã với tổng diện tích phục vụ hơn 32.700ha/năm cũng như ngăn mặn, tiêu nước cho 13.000ha/năm. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện nhiệm vụ cấp nước cho công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt và phục vụ dân sinh.

Phục vụ tưới cho tổng diện tích hơn 32.700ha/năm cũng như ngăn mặn, tiêu nước cho 13.000ha/năm nhưng kinh phí thiếu hụt khiến Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Sinh Công, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Hàng năm nguồn thu của Công ty chủ yếu từ cấp bù thủy lợi phí từ ngân sách Trung ương, trên cơ sở diện tích tưới tiêu phục vụ.

“Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, giá dịch vụ thủy lợi không được điều chỉnh, trong khi chi phí tiền lương, tiền điện, chuẩn bị máy bơm… và các chi phí khác liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác của đều tăng. Điều đó dẫn đến mất cân đối, thu không đủ chi cho hoạt động thường xuyên của đơn vị”, ông Công nêu thực trạng.

Cũng theo ông Công, trong 3 năm gần đây, chi phí sửa chữa thường xuyên (sau khi cân đối các khoản thu chi, kể cả lãi ngân hàng) khoảng 3 tỷ đồng. Trong khi theo định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, thì chi phí duy tu sửa chữa công trình được tính theo tỷ lệ % nguyên giá tài sản cố định (0,35%), tương ứng khoảng 5,65 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí sửa chữa lớn không có, quỹ khen thưởng phúc lợi và thưởng viên chức quản lý chỉ được 50% theo kế hoạch được duyệt.

Theo tính toán của Công ty, nguồn ngân sách thiếu phục vụ cho hoạt động là 12,53 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho công tác vận hành thiếu 3,25 tỷ đồng, chi phí bảo trì công trình thủy lợi thiếu 5,35 tỷ đồng, chi phí khấu hao tài sản cố định thiếu 1,12 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp thiếu 1,3 tỷ đồng…

“Điều đó dẫn đến công tác bảo trì các công trình các năm gần đây của đơn vị gặp nhiều khó khăn, kinh phí cân đối cho khoản này không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc sửa chữa thường xuyên chỉ dừng lại ở mức nạo vét, phát quang kênh mương và bảo dưỡng máy móc thiết bị ở các trạm bơm với mức tối thiểu để phục vụ tưới”, ông Công cho biết thêm.

Từ năm 2012 đến nay, giá dịch vụ thủy lợi không được điều chỉnh, trong khi chi phí tiền lương, tiền điện, chuẩn bị máy bơm… và các chi phí khác liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác của công ty đều tăng khiến nhiều công tác duy tu, bảo trì các công trình gặp khó.

Ngoài ra, các chi phí liên quan đến hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi như cắm mốc chỉ giới bảo vệ, lập quy trình vận hành cho các hồ chứa, kiểm định an toàn đập, cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép khai thác nguồn nước… cần tối thiểu 11,51 tỷ đồng để đảm bảo cho đơn vị thực hiện, hoàn thiện các nội dung theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa.

Một khó khăn khác mà Công ty đang gặp phải khi công trình đập ngăn mặn sông Hiếu vừa được bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành. “Công ty xác định đây là công trình đa mục tiêu nên cố gắng quản lý, vận hành sao cho tốt. Tuy nhiên, điều đó khiến chi phí tăng, như mỗi ngày chi phí khoảng 300.000 đồng tiền điện cho công trình này. Trong khi đó, nguồn thu từ cấp bù thủy lợi phí không tăng”, ông Công nêu.

Ngoài ra, việc hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định tương ứng với 2 tháng lương cơ bản là 3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 và năm 2022, chỉ được hỗ trợ 1 tỷ đồng nên chưa đáp ứng đầy đủ quyền lợi của người lao động.

Nỗi lo càng lớn hơn khi năm 2023 dự báo hạn hán có thể xảy ra, tuy nhiên theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty được phê duyệt thì nguồn kinh phí chỉ mới đảm bảo chi trả chi phí tiền lương của cả năm.

Bên cạnh đó, chỉ mới một phần chi phí tiền điện (496 triêu/2,7 tỷ đồng) và chi phí sửa chữa thường xuyên (300 triệu/5,65 tỷ đồng). Do đó, việc vận hành, quản lý công trình phục vụ tưới tiêu năm 2023 gặp nhiều khó khăn.

“Trước tình hình trên, Công ty kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cân đối nguồn ngân sách cấp hỗ trợ kinh phí hàng năm cho đơn vị để cân đối các khoản chi còn thiếu. Đặc biệt, bố trí kinh phí để đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn hồ đập”, ông Công bày tỏ.

Minh Tân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-tri-kinh-phi-thieu-khien-gia-tang-noi-lo-cho-vu-tuoi.html