Quân khu 7: Công tác giáo dục chính trị được đổi mới như thế nào?

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 luôn quan tâm xây dựng cán bộ giảng dạy chính trị gương mẫu, nói đi đôi với làm, là tấm gương sáng cho chiến sĩ, quần chúng noi theo. Từ đây, đội ngũ cán bộ đã đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, khắc phục sự khô cứng, ngại học chính trị của một số đồng chí.

Cán bộ gương mẫu nói đi đôi với làm

Đại đội Pháo Phòng không 37mm, Ban CHQS TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, làm nhiệm vụ trên ngọn núi Nhỏ có độ cao hơn 100m; nơi đầy nắng, gió khắc nghiệt. Hơn 11 giờ trưa, từ trao trường trở về, cất vội trang bị, Trung úy Nguyễn Văn Huế, Chính trị viên phó Đại đội nhẹ nhàng đến thăm chiến sĩ Nguyễn Hiển Vinh vì sáng nay nghỉ học. Qua trò chuyện, anh Huế nắm được Vinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên có lúc biểu hiện tư tưởng chưa yên tâm.

Những ngày sau, anh Huế luôn gần gũi, giáo dục động viên, đồng thời vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp 1 triệu đồng tặng gia đình Vinh, từ đó Vinh luôn tích cực công tác. Vinh là một trong số nhiều chiến sĩ hạn chế mà anh Huế đã kịp thời giáo dục tiến bộ; qua đó, anh Huế luôn được chiến sĩ tin yêu, giáo dục tốt chiến sĩ. Năm 2022, Đại đội được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, anh Huế được tặng chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Giờ giáo dục chính trị ngoại khóa tại Đại đội Pháo phòng không 37mm, Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh Nguyễn Huế

Ở Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 77, Đại úy Phạm Hoàng Giang, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 đề xuất đơn vị giáo dục rèn luyện bộ đội theo tiêu chí 5 mẫu mực: Về lý tưởng, đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chấp hành kỷ luật; trách nhiệm trong hoạt động đơn vị; yêu thương đồng đội, gắn bó với nhân dân. Nói đi đôi với làm, anh Giang gương mẫu thực hiện tốt tiêu chí đề ra, qua đó, anh giáo dục tốt chiến sĩ. Năm 2022, tiểu đoàn đạt đơn vị tiên tiến, anh Giang được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đạt giải ba hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi của Quân khu 7 năm 2023…

Trung úy Nguyễn Văn Huế, Chính trị viên phó Đại đội Pháo Phòng không 37mm tặng quà cho chiến sĩ khó khăn của đơn vị. Ảnh Huế Văn

Trên đây là vài ví dụ trong số nhiều gương cán bộ giảng dạy chính trị nói đi đôi với làm, là tấm gương sáng cho chiến sĩ noi theo, giáo dục tốt chiến sĩ ở Quân khu 7 mà chúng tôi có dịp trao đổi. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm nổi bật để Đảng ủy Quân khu thực hiện tốt Chỉ thị 124-CT/QUTW ngày 31-3-2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới và Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới”.

Giáo dục chính trị trên bãi tập bằng mô hình "Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích" tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5. ảnh Duy Nguyễn

Theo đó, các cấp ủy triển khai tốt kế hoạch quy hoạch, đào tạo, hội thi, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ sát thực; đồng thời phát động nhiều phong trào, mô hình hiệu quả, như “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”, “Mỗi ngày một câu khẩu hiệu hay, một hành động đẹp”…Các đơn vị thực hiện tốt việc bình xét, đánh giá cán bộ và chế độ thông qua giáo án, dự giờ, bình giảng; khơi dậy ý thức tự tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ cán bộ.

Theo đánh giá của Đảng ủy Quân khu 7, hiện 100% cán bộ giảng dạy chính trị có bản lĩnh vững vàng; sống có nghĩa có tình, thương yêu đồng đội; tích cực tự học, tự rèn nâng cao năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác; gương mẫu chấp hành kỷ luật, hoàn thành tốt chức trách được giao.Từ đây, đội ngũ cán bộ đã đổi mới nội dung, phương pháp GDCT.

Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị

Dự hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi của Quân khu 7, chúng tôi chứng kiến Trung úy Nguyễn Văn Huế, Chính trị viên phó Đại đội Pháo Phòng không 37mm đã thuyết phục mọi người để đạt giải nhất hội thi bằng cách giảng theo dạng câu hỏi, đáp ngắn gọn, dí dỏm, lôi cuốn, hấp dẫn người nghe cùng những dẫn chứng truyền tải nhiều thông tin thiết thực cho người học về chuyên đề “Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay”.

Theo đánh giá của Quân khu 7 kinh nghiệm nổi bật rút ra từ hội thi là mỗi bài giảng, trong thời gian ngắn, cán bộ phải truyền tải được nhiều thông tin dễ hiểu, thiết thực, tạo cảm giác hứng thú cho người học.

Trao đổi với nhiều cán bộ được biết, tùy đặc điểm, nhiệm vụ, những năm qua, các cơ quan, đơn vị có nhiều mô hình hay. Thượng tá Trần Hoàng Giang, Chính ủy Sư đoàn 5 cho biết: Chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”, “Mỗi tháng một diễn đàn, mỗi quý một chuyên đề sinh hoạt”…Ví dụ thực hiện mô hình “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”, hằng ngày, đơn vị soạn câu hỏi ngắn gọn về chính trị, đạo đức, pháp luật lồng ghép trong các hoạt động, định hướng tốt tư tưởng bộ đội mọi lúc, mọi nơi; qua đó, đổi mới phương pháp, khắc phục sự khô cứng, ngại học chính trị của một số đồng chí, chiến sĩ nắm và chấp hành tốt kỷ luật”.

Tìm hiểu các chuyên đề, mô hình giáo dục tại Quân khu 7. Ảnh Phúc Hiển

Từ những mô hình làm điểm của Sư đoàn 5, Quân khu 7 rút kinh nghiệm chỉ đạo các đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, như Sư đoàn 302 có “Mô hình trực quan giáo dục chiến sĩ mới”; Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mô hình “Vòng quay trí tuệ”; Bộ Tham mưu với mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi - bảng ảnh”…Các mô hình bảo đảm tính khoa học, dễ làm, dễ hiểu, dễ nhớ, sát đời sống chiến sĩ và lồng ghép tốt giữa giáo dục cơ bản với giáo dục chung, giáo dục riêng và giáo dục theo nhiệm vụ.

Ngoài chương trình quy định của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, 12 năm qua, các cấp của Quân khu còn biên soạn thêm 1.980 chuyên đề giáo dục về biên giới quốc gia, biển, đảo; những quy định mới về pháp luật, vấn đề dư luận xã hội, chiến sĩ quan tâm... định hướng, giáo dục tốt tư tưởng cho chiến sĩ.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

NGUYỄN DUYHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-khu-7-cong-tac-giao-duc-chinh-tri-duoc-doi-moi-nhu-the-nao-734623