Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ Bảy

Xoay quanh đề xuất cho học sinh nghỉ học vào thứ Bảy xuất hiện nhiều những ý kiến tranh luận trái chiều.

Học sinh, giáo viên được giảm tải

Mới đây, tại Hội nghị giao ban khối trung học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhiều hiệu trưởng nêu đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ Bảy; đồng thời cho hay, đây cũng là nguyện vọng của một bộ phận phụ huynh và học sinh.

Xoay quanh đề xuất cho học sinh nghỉ học vào thứ Bảy xuất hiện nhiều những ý kiến tranh luận trái chiều.

Lý do có đề xuất này là vì học sinh tiểu học được nghỉ ngày thứ Bảy nhưng lên cấp THCS và THPT, các em phải học ngày thứ Bảy để đảm bảo khung chương trình.

Nhiều phụ huynh được nghỉ ngày thứ Bảy cũng muốn con được nghỉ ngơi hoặc có thời gian học năng khiếu, chơi thể thao, đi chơi cùng gia đình vào cuối tuần... nên mong muốn con chỉ học từ thứ 2 đến thứ 6, chấp nhận việc tăng khối lượng tiết học các ngày trong tuần.

Đề xuất cho học sinh nghỉ thêm ngày thứ Bảy mang lại niềm vui lớn đối với nhiều bạn học sinh cũng như giáo viên và phụ huynh. Vì có thêm một ngày nghỉ, các em sẽ có thêm thời gian vui chơi và có thể bổ sung kiến thức bằng cách tự học ở nhà vào thời gian phù hợp.

Đồng thời, giáo viên cũng có thêm thời gian để nghỉ ngơi và chuẩn bị tốt cho các bài giảng trước khi bước vào tuần học mới.

Nhiều ý kiến tán thành việc cho học sinh nghỉ học ngày cuối tuần. Nghỉ học ngày thứ Bảy sẽ giúp học sinh giảm bớt căng thẳng sau một tuần dài học tập vất vả.

Đồng thời, giáo viên cũng có cơ hội tranh thủ tái tạo năng lượng, có thời gian nghỉ ngơi và tập trung cho biên soạn giáo án, tham khảo tài liệu giảng dạy.

Một giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội vui mừng và mong muốn phương án sớm trở thành hiện thực. Theo đó, các trường học nên xem xét có phương án điều chỉnh số tiết phù hợp trong tuần, để học sinh có thể nghỉ thêm được ngày thứ Bảy.

Đối với những trường công lập, có thể dồn hết các môn học vào trong tuần. Tuy nhiên, để sắp xếp được số tiết hợp lý thì nhà trường sẽ hơi vất vả.

Nhiều giáo viên khác khi được hỏi cũng cho rằng, đối với những thầy cô giáo phải đi dạy xa kéo dài suốt một tuần, chưa kể nếu trường có thêm các hoạt động ngoại khóa vào chủ nhật thì rất mệt mỏi. Cho nên, nếu phương án nghỉ học ngày thứ Bảy được thực hiện thì khỏe cả thầy và trò.

Bên cạnh việc đồng tình nghỉ học của số đông giáo viên, có nhiều học sinh lại rất băn khoăn, lo lắng và đưa ra ý kiến tranh luận về việc có nên nghỉ học thứ Bảy. Việc duy trì học thứ Bảy sẽ giúp học sinh đỡ vất vả vì dồn lại lịch học sẽ căng thẳng.

Mội hiệu trưởng trường cấp 2 trên địa bàn Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ sẽ rất khó sắp xếp thời khóa biểu nếu học sinh nghỉ thứ Bảy vì thời lượng tiết cấp THCS khá nặng. "Nếu nghỉ thứ Bảy thì học sinh một là học tăng tiết, hai là học thêm ít nhất 1 buổi chiều. Như vậy là tưởng giảm tải lại thành tăng tải", giáo viên này nêu.

Có thể để các trường tùy ý quyết định

Ở một góc nhìn khác, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, việc này nên để cho các trường tự chủ động thực hiện.

Quan điểm của riêng thầy Lâm là nên áp dụng đề xuất này đối vối cấp Tiểu học và THCS. Còn cấp THPT thì các trường nên tự làm chủ thời gian dạy học sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

"Trong chương trình học phổ thông hiện nay đã quy định rõ 1 tuần chỉ dạy 30 tiết. Nếu nghỉ thứ Bảy thì các tiết trong tuần sẽ phải tăng lên”, thầy Lâm đưa ra quan điểm.

Riêng việc sắp xếp thời gian học như thế nào cho phù hợp thì sẽ tùy vào cách thức làm việc riêng của mỗi trường và đặc thù của địa phương đó.

“Nếu nghỉ thứ Bảy thì các trường cần đảm bảo đúng chương trình, phương hướng dạy học. Còn sắp xếp thời gian học như thế nào sẽ tuy vào mỗi trường, không đặt ra yêu cầu chung cho tất cả. Chẳng hạn ở miền núi, trời rét không học được thì phải đẩy sang mùa xuân, mùa hè nhiều hơn”, thầy Lâm nói.

Cũng theo thầy Lâm, các trường học nên cho học sinh được quyền lựa chọn hoạt động phù hợp với bản thân, nhất là cấp học lựa chọn nghề nghiệp. Ngoài những giờ lên lớp căng thẳng, các em cũng cần có thêm thời gian để nghiên cứu khoa học, đá bóng, đọc sách...

TS.Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc được nghỉ học thứ Bảy sẽ khiến học sinh được xả những căng thẳng rất nhiều, nhất là nếu thời gian nghỉ này không bố trí học thêm hoặc những hình thức học gò ép khác mà trẻ không thấy hứng thú.

Tuy nhiên, nếu để được nghỉ học thứ Bảy mà học sinh phải học 9 tiết/ngày thì bà Hương không đồng tình. Theo quy định, với cấp THPT, chương trình khung quy định 30 tiết/tuần, nếu nghỉ thứ Bảy, nhiều giáo viên chỉ ra mỗi ngày còn lại học 5 tiết là chưa đủ thời gian, cần học thêm vào buổi chiều.

Song theo nguyên tắc xếp thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, việc tổ chức học thêm chỉ 1 buổi chiều là không khả thi.

Chưa kể, tại nhiều địa phương còn thực hiện các chương trình, đề án dạy liên kết ngoại ngữ, tin học, thể thao… nên số tiết thực tế còn nhiều hơn con số 30 như quy định cứng của chương trình.

Đây cũng là vấn đề băn khoăn nhất của nhiều phụ huynh và giáo viên là để nghỉ học thứ Bảy, các ngày học khác trong tuần phải học dồn tiết, tăng thêm buổi học chiều vào các ngày trong tuần, tức là tạo thêm gánh nặng cho học sinh.

Chưa kể, một số ý kiến lo lắng nếu nghỉ ngày thứ Bảy có phát sinh việc giáo viên dạy thêm hay không? Nếu không có chế tài giám sát, kiểm tra thường xuyên thì việc nghỉ học chính khóa mà tăng học thêm thì vẫn là một vòng luẩn quẩn không thay đổi.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-y-kien-xung-quanh-de-xuat-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-thu-bay-d201338.html