Ngành tư pháp chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật tầm nhìn đến 2045

Ngày 16/3, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại diện các cơ quan tham gia tại Hội thảo. Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Một trong những cơ sở chính trị quan trọng làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về việc tập trung thực hiện một số nội dung về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chỉ đạo mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển của đất nước, 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Để Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị và các nội dung định hướng, nhiệm vụ được nêu tại Kết luận số 19-KL/TW và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đi vào thực tiễn cuộc sống, được triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW và Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW. Tại Kế hoạch nói trên, các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đã được cụ thể hóa thành các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định rõ tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ông Trần Anh Đức cho biết trong 5 năm tới, ngành tư pháp tiếp tục tập trung nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc một số lĩnh vực như: Pháp luật về dân sự, hình sự - hành chính, tổ chức thi hành pháp luật, lĩnh vực thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp nuôi con nuôi, lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nganh-tu-phap-chu-trong-hoan-thien-he-thong-phap-luat-tam-nhin-den-2045-102220316175544482.htm