Mỹ, Anh tấn công Houthi, Iran có thể đóng eo biển Hormuz?

Sau khi bị Mỹ-Anh không kích, lực lượng Houthis Yemen tuyên bố không ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ, còn Iran có thể sẽ đóng cửa eo biển Hormuz.

Sau các cuộc tấn công ban đêm của liên minh các nước phương Tây nhằm vào các mục tiêu của Houthi (còn gọi là “Phong trào Ansar Allah”) ở Yemen, đại diện của nhóm vũ trang này là Mohammed Abdel Salam cho biết, các cuộc tấn công trên Biển Đỏ nhằm vào các tàu “có mối liên kết” với Israel sẽ không dừng lại.

Ông nói thêm rằng, hành động của người Houthis không gây ra mối đe dọa đối với hàng hải ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập, các tàu hàng của những nước khác vẫn có thể hành trình bình thường.

Kênh truyền hình Al Mayadeen dẫn lời đại diện của phong trào Yemen cho biết, máy bay Mỹ và Anh đã thực hiện 73 cuộc tấn công vào các mục tiêu của họ, kết quả là chỉ có 5 tay súng thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Các quan chức Houthi cũng khẳng định, các kho vũ khí của họ không bị thiệt hại nghiêm trọng và họ vẫn đủ khả năng tiếp tục tiến hành những vụ tấn công khác vào những đối tượng có liên quan đến Israel, để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào Hamas ở dải Gaza của Palestine.

Hoạt động của lực lượng Mỹ và các vệ tinh của họ nhằm “bình định” lực lượng Houthi ở Yemen đã dẫn đến những hệ quả xấu cho nền kinh tế thế giới, mà trực tiếp là tác động tiêu cực đến giá dầu.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 12/01/2024 đã chỉ ra rằng, vụ tấn công mới nhất của Mỹ và Anh vào các mục tiêu của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen chỉ là một trong chuỗi các hành động đang diễn ra có thể dẫn đến việc đóng cửa một số cơ sở sản xuất ở các nước châu Âu.

Sau các cuộc tấn công của phương Tây, Quân đội Iran được đặt trong tình trạng báo động cao. Không thể loại trừ khả năng leo thang xung đột hơn nữa, trong đó kịch bản xấu nhất là Tehran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz đối với các tàu thương mại trên Biển Ả rập.

Trong trường hợp này, giá dầu thô và một số hàng hóa khác có thể tăng đáng kể do gần 30% tổng lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz.

Kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023, chi phí cung cấp tài nguyên năng lượng đã tăng thêm tới 40%.

Bloomberg nhấn mạnh, nếu Iran bị kéo vào cuộc chiến thì tác động của tình hình Trung Đông lên thị trường nhiên liệu thế giới sẽ gấp đôi tác động của cuộc đối đầu quân sự ở Ukraine.

Ngoài ra, các cuộc tấn công vào phong trào Ansar Allah còn khiến chi phí của các doanh nghiệp châu Âu tăng lên.

Do đó, nhà máy Tesla ở Berlin buộc phải tạm dừng sản xuất ô tô từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 11 tháng 2.

Nguyên nhân là do nguồn cung có được các sản phẩm cần thiết từ các nước trong khu vực châu Á bị đứt đoạn, do hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ thực tế đã bị tắc nghẽn.

Hoàng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-anh-tan-cong-houthi-iran-co-the-dong-eo-bien-hormuz-post668426.html