Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã qua đời trong vụ tai nạn trực thăng khi đang di chuyển qua tỉnh Đông Azerbaijan của nước này.

Tổng thống Ebrahim Raisi được bầu đảm nhiệm trọng trách kể từ năm 2021 và hình ảnh chiếc máy bay chở ông gặp nạn. Ảnh: NDTV

Tổng thống Ebrahim Raisi được bầu đảm nhiệm trọng trách kể từ năm 2021 và hình ảnh chiếc máy bay chở ông gặp nạn. Ảnh: NDTV

Ông Ebrahim Raisi (63 tuổi) luôn được xem là nhân vật đại diện cho xu hướng cứng rắn trong nền chính trị Iran, đã đảm nhiệm cương vị tổng thống trong gần 3 năm và được cho là đang trên đà tái tranh cử vào năm tới.

Là một cựu chánh án, Tổng thống Ebrahim Raisi cũng được đánh giá là người kế thừa tiềm năng cho Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao 85 tuổi của Iran.

Tổng thống Ebrahim Raisi sinh ra ở Mashhad ở đông bắc Iran, một trung tâm tôn giáo của người Hồi giáo Shia. Ông đã trải qua giáo dục tôn giáo và được đào tạo tại chủng viện ở Qom, học tập dưới sự hướng dẫn của các học giả nổi tiếng, bao gồm cả lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei.

Ông Ebrahim Raisi đã tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp lý suốt một thời gian dài, trước khi đến Tehran vào năm 1985.

Ông Ebrahim Raisi (thứ hai từ phải sang) trong giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước. Ảnh: Wikipedia

Ông Ebrahim Raisi (thứ hai từ phải sang) trong giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước. Ảnh: Wikipedia

Ông Ebrahim Raisi cũng là thành viên lâu năm của Hội đồng chuyên gia Iran, cơ quan được giao nhiệm vụ lựa chọn người thay thế nhà lãnh đạo tối cao trong trường hợp tổng thống qua đời.

Ông Ebrahim Raisi làm Bộ trưởng Tư pháp Iran vào năm 2014 và đảm nhiệm cương vị này trong 2 năm, sau đó đã lần đầu tranh cử tổng thống vào năm 2017 nhưng không thành công. Ở thời điểm đó, Tổng thống Hassan Rouhani, người đại diện cho các phe trung dung và ôn hòa, đã tái đắc cử.

Thay vào đó, ông Ebrahim Raisi trong giai đoạn này đã tạo ấn tượng tốt đẹp với tư cách là người đứng đầu của hệ thống tư pháp Iran. Ông nổi tiếng là người bảo vệ công lý và chiến đấu chống tham nhũng đến cùng.

Ông Ebrahim Raisi giữa những người ủng hộ trong cuộc tranh cử Tổng thống Iran năm 2017. Ảnh: The Washington Post

Ông Ebrahim Raisi giữa những người ủng hộ trong cuộc tranh cử Tổng thống Iran năm 2017. Ảnh: The Washington Post

Năm 2021, ông Ebrahim Raisi đã trở thành Tổng thống Iran, tạo dựng nhiều dấu ấn quốc tế với quan điểm cứng rắn trước Mỹ và đồng minh trong khu vực là Israel. Ông giữ quan điểm ủng hộ Palestine và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp vào cuộc xung đột tại Dải Gaza. Tuy nhiên, cũng vì những quan điểm này mà ông thường xuyên bị truyền thông phương Tây chỉ trích.

Tổng thống Ebrahim Raisi cũng tuyên bố sẽ trả thù Israel sau khi nước này san bằng tòa nhà lãnh sự quán của Tehran ở Syria mới đây, khiến 7 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thiệt mạng.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của Tổng thống Ebrahim Raisi đã dang dở khi chiếc máy bay chở ông và một số quan chức cấp cao khác của Iran, trong đó có cả Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian gặp nạn, rơi xuống vùng rừng núi ở tỉnh Đông Azerbaijan.

Hiện trường chiếc trực thăng bị rơi tại Đông Azerbaijan. Ảnh: IRCS

Hiện trường chiếc trực thăng bị rơi tại Đông Azerbaijan. Ảnh: IRCS

Sau sự cố, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã kêu gọi người dân không lo lắng, khẳng định các hoạt động của đất nước vẫn ổn định.

Điều 131 của hiến pháp Iran nêu rõ, Phó Tổng thống thứ nhất - lúc này là ông Mohammad Mokhber - sẽ tiếp quản công việc điều hành đất nước, dĩ nhiên phải có sự xác nhận của nhà lãnh đạo tối cao. Một hội đồng sẽ sắp xếp cuộc bầu cử tổng thống mới trong thời hạn tối đa là 50 ngày.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/su-nghiep-chinh-tri-cua-tong-thong-iran-ebrahim-raisi-666870.html