Lý do khiến giáo dục STEM lan tỏa mạnh trong các trường học

Giáo dục STEM đang được đón nhận và triển khai mạnh mẽ trong trường học khi trở thành cầu nối giữa tri thức khoa học liên môn và vận dụng giải quyết các vấn đề đời sống cũng như thúc đẩy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học công nghệ.

Say mê STEM khi gắn kết bài giảng với vấn đề đời sống

“Từ việc hiểu khá mơ hồ về STEM, thấy khá xa vời với lập trình, robot… nhưng qua tìm hiểu, học hỏi, tôi nhận thấy giáo dục STEM rất gần gũi, đó chính là tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày” - cô Nguyễn Thúy Quỳnh, giáo viên trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai chia sẻ.

Cũng theo cô Nguyễn Thúy Quỳnh, giá trị của giáo dục STEM mang lại không chỉ nằm ở sản phẩm học sinh tạo ra mà quan trọng là ở quá trình thực hiện, khi các em phải biết làm việc nhóm, phải biết tìm hiểu, sử dụng kiến thức liên môn, ứng dụng linh hoạt trong thực tế, biết giới thiệu về sản phẩm của mình. Vì vậy, ngay cả khi chưa làm ra sản phẩm, các em vẫn nhận được rất nhiều bài học như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, khả năng tư duy, giải quyết vấn đề, xử lý tình huống… Cô Quỳnh đã đưa những tiết học STEM sinh động đến với học sinh, giúp các em say sưa với những chủ đề như tái chế rác thải, năng lượng xanh, pha chế đồ uống an toàn, xây dựng hệ thống tưới cây tự động…

Học sinh Hà Nội hào hứng với các tiết học STEM

Nguyễn Thụy Chi - học sinh trường THCS Tân Định cho biết, thông qua STEM các em thấy dễ hiểu kiến thức các môn học hơn là chỉ làm bài tập trên lớp. “Với STEM chúng em vừa tìm được cách giải quyết bài tập lý thuyết vừa khám phá ra những ứng dụng thực tiễn trong đời sống” - Nguyễn Thụy Chi chia sẻ.

Giáo dục STEM là gì?

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn.

Còn STEAM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống.

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Quá trình học tập bắt đầu từ việc học sinh tự khảo sát, khám phá, trải nghiệm để nhận ra những điều hấp dẫn với bản thân. Giáo viên thay vì đưa sẵn giáo án sẽ mang trọng trách là người dẫn dắt và kết nối kiến thức. Theo đó, học sinh sẽ tạo ra các sản phẩm học tập, thực hiện thuyết trình xem việc tiến hành từng công đoạn diễn ra như thế nào, hay viết báo cáo thu hoạch theo nhóm hoặc cá nhân. Khi ấy, kiến thức về xã hội, phương pháp làm việc nhóm, khả năng tư duy ngôn ngữ hay nhiều bộ môn khác sẽ được lồng ghép trong suốt quá trình học tập.

STEM Festival 2023 thu hút đông đảo học sinh, sinh viên yêu khoa học công nghệ

Đặc biệt với STEM, học sinh sẽ được trang bị kỹ năng đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích đánh giá và tranh luận dựa vào bằng chứng, nhằm xác định nguồn thông tin nào đáng tin cậy. Điều này vượt ra khỏi phương pháp dạy học thu nạp kiến thức thông thường. Việc thay đổi phương pháp đánh giá sau mỗi buổi học giúp các em có cơ hội được suy nghĩ, nhìn nhận lại, để rồi rút ra bài học cho bản thân. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản của STEM.

Ở yêu cầu cao hơn, TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, tiếp theo STEM, STEAM là phương pháp kết hợp bởi 5 lĩnh vực (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ thuật và Toán học). Đây được xem là phương pháp giáo dục phổ biến hiện nay trên thế giới. Việt Nam cũng là một nước đón nhận rất tích cực và đang dần vận dụng linh hoạt vào kế hoạch của các nhà trường.

Tuy nhiên, điều mà TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu, đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) lo lắng là làm thế nào để thông qua giáo dục STEM học sinh và giáo viên thấy được tầm quan trọng của khoa học, kỹ thuật để khơi gợi say mê, theo đuổi chứ không phải chỉ biết đến rồi lướt qua và cuối cùng lại chỉ chọn định hướng nghề nghiệp thương mại đơn thuần.

Sức lan tỏa giáo dục STEM

Ngày hội STEM 2023 vừa diễn ra ngày 8-10 tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam bứt phá tầm cao” như lời khẳng định về nội lực mạnh mẽ của giáo dục STEM tại Việt Nam, qua đó cổ vũ mạnh mẽ nỗ lực của các thầy cô giáo và các em học sinh trên mọi miền Tổ quốc trên hành trình tìm kiếm, mở mang các tri thức, chinh phục khoa học công nghệ (KHCN) trong bối cảnh mới.

Với ngày hội này, học sinh, phụ huynh, giáo viên, các bạn trẻ cũng được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, thú vị như: Toán ứng dụng (rubik, board game, lập trình tin học,…); trò chơi thực tế ảo hấp dẫn, đa dạng thể loại (thể thao, trinh thám, hành động, đối kháng…); đua xe ô tô giả lập với hệ thống mô phỏng hiện đại đem đến cảm giác như đang lái xe thật; tương tác với robot AI, điều khiển Mbot đấu sĩ, trải nghiệm trực tiếp với các dự án robot sáng tạo; thí nghiệm khoa học, chế tạo đồ chơi thông minh…

Bên cạnh mục đích lan tỏa, tiếp thêm động lực, cổ vũ niềm đam mê học tập, nghiên cứu KHCN và sáng tạo của học sinh, sinh viên Việt Nam, ngày hội còn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng KHCN vào cuộc sống; nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định nhấn mạnh, với cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, thời gian qua, hoạt động dạy và học gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển vững chắc, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội trong những điều kiện khác nhau. Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp trực tiếp để nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, phương pháp tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM có thể coi là một cách tiếp cận phù hợp, linh hoạt và hiệu quả để nâng cao các kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho người trẻ và cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Để hình thành một thế hệ nhân lực mới sáng tạo, năng suất, bứt phá, Việt Nam cần không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo. STEM là một trong những lựa chọn đáng được khuyến khích và tạo điều kiện để có thể thấm sâu hơn vào thực tiễn. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý KHCN, GD-ĐT, nhà nghiên cứu, nhà trường, giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp cận phương pháp dạy và học tiên tiến, hướng tới phát triển toàn diện kiến thức khoa học và kỹ năng, góp phần tạo nguồn nhân lực đủ trình độ tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hà Nội đang tập trung triển khai chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM trong ngành giáo dục và đào tạo theo định hướng giáo dục thông minh”. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hưởng ứng, tham gia các hoạt động của ngày hội công nghệ thông tin và STEM, tạo nên phong trào thi đua hiệu quả trong các hoạt động giáo dục và đào tạo toàn thành phố.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-khien-giao-duc-stem-lan-toa-manh-trong-cac-truong-hoc-post554799.antd