Lời kể của phi công máy bay di tản từ Kabul: 'Chỉ có 30 phút để hạ cánh rồi cất cánh'

Việc tiếp cận sân bay gặp nhiều nguy hiểm. Các điều kiện trên mặt đất luôn hỗn loạn, nhưng mọi việc phải được tổ chức và tính toán thời gian chính xác. Trong khi đó, các hành khách đều kiệt sức và căng thẳng.

Đối với các phi công chịu trách nhiệm lái máy bay sơ tán các công dân nước ngoài và cả công dân Afghanistan khỏi thủ đô Kabul hiện đang nằm trong kiểm soát của Taliban, các chuyến bay đến và đi khỏi thành phố này là một hành trình đặc biệt, không giống bất cứ chuyến bay nào khác.

Khung cảnh hỗn loạn tại sân bay Kabul. Ảnh: NBC News

Các phi công phải đối mặt với tình huống phức tạp khi tiếp cận sân bay quốc tế Hamid Karzai, vốn nằm ở địa hình cao và bao bọc xung quanh là núi đồi. Trong khi đó, mật độ giao thông đông đúc khiến các các máy bay quân sự và dân sự phải dựa vào hệ thống tránh va trạm giao thông (TCAS) để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Trong bối cảnh các nước phương Tây đang chuẩn bị giảm dần tần hoạt động của một trong những cuộc di tản công dân phức tạp nhất kể từ thời Thế chiến 2, một số phi công đã chia sẻ cầu chuyện về những chuyến bay đặc biệt, những lần hạ cánh rồi lại cất cánh từ sân bay Kabul đầy hỗn loạn.

Các lực lượng Mỹ hiện triển khai khoảng 5.800 người ở sân bay, “hiện đang đảm nhiệm mọi công việc kiểm soát không lưu cũng như kiểm soát mặt đất”, theo chỉ huy Stephen (người không tiết lộ tên đầy đủ), chỉ huy máy bay vận tải quân sự A400M của Pháp.

“Với một chiếc máy bay như thế này [A400M], chúng tôi thường cần tới sự trợ giúp của các hệ thống, nhưng cuối cùng chúng tôi phải hạ cánh bằng mắt thường”, ông nói với AFP tại căn cứ 104 của Pháp tại Al Dhafra, thuộc UAE - điểm trung chuyển do Pháp sử dụng trong chiến dịch sơ tán công dân khỏi Kabul.

“Các hệ thống giúp ích rất nhiều, cho phép chúng tôi nắm bắt những gì diễn ra ở bên ngoài và kiểm soát các mối đe dọa”, ông nói.

Theo ông Stephen, để ngăn chặn hỏa lực tên lửa có thể xảy ra, A400M có thể thả mồi nhử hồng ngoại phát ra sức nóng dữ dội để đánh lừa đường đạn. Khi tiếp cận đường băng, máy bay chuyển hướng mạnh về phía mặt đất để tránh các mối đe dọa trong quá trình hạ cánh.

“Lưu lượng giao thông hàng không đến và đi được điều tiết như một bản nhạc. Có rất nhiều chuyến bay do các nước thực hiện và nếu không được tổ chức một cách hợp lý, mọi hoạt động đều trở nên bất khả thi”, chỉ huy Stephen nói.

Các phi công phải tuân thủ tuyệt đối lượt của mình, chỉ có “nửa tiếng giữa lần hạ cánh và cất cánh tiếp theo”..

Phi công phải tự quyết định tình huống

Khi thủ đô Kabul thất thủ hôm 15/8, hàng nghìn người đổ về sân bay tìm cách rời khỏi đất nước.

Lúc hạ cánh chiếc máy bay chở khách vào sáng hôm đó, Maqsoud Barajni phi công hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) cho biết, mọi thứ có vẻ như vẫn bình thường.

Trong lúc đợi trên đường băng để chuẩn bị cho chuyến bay về, Barajni bắt đầu nhận thấy có sự hoảng loạn bên ngoài, và tình hình không bình thường. Càng lúc càng có nhiều người đổ xô vào bên trong sân bay và có cả tiếng súng tiếng súng.

Khi chuẩn bị cất cánh, Barajni được nhân viên kiểm soát viên thông báo rằng các chuyến bay thương mại đã bị đình chỉ và ông không được phép cất cánh. Sau đó, Barajni đã có quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.

“Tôi đã trao đổi với cơ phó, nói rằng chúng tôi sẽ cất cánh ngay cả khi họ không cho phép. Đó không phải là một tình huống bình thường. Sau khi quan sát tình hình thực tế trong một giờ, cuối cùng tôi cũng cất cánh. Tầm nhìn tốt giúp tôi tránh được máy bay quân sự. Có một số chiếc Chinook, trực thăng Gunship và một số máy bay khác. Nếu trì hoãn thêm vài phút nữa, chúng tôi sẽ không thể thực hiện được. Đó là chuyến bay thương mại cuối cùng trong ngày hôm đó”, Barjani nói.

Bên trong một chiếc C-17 của Mỹ chở người di tản từ sân bay Kabul. Ảnh: Không quân Mỹ

Đồng nghiệp của Barjani tại PIA, Uzair Khan cũng có chuyến bay từ sân bay Kabul trước đó cùng ngày. Uzair Khan kể lại, ông đã phải giữ bình tĩnh trên máy bay với những hành khách đang trong tình trạng hoảng loạn.

“Hầu hết các hành khách đều thuộc Nội các của Tổng thống Ghani hoặc làm việc trong chính phủ. Họ đang rời khỏi đất nước cùng gia đình và hối thúc chúng tôi cất cánh càng sớm càng tốt. Không thể liên lạc với bộ phận mặt đất, tôi đã phải tự xử lý phần kiểm tra kỹ thuật và phải tự mình xoay sở tình hình”, Uzair Khan kể lại.

Các hành khách đã “sẵn sàng bay và rời khỏi Afghanistan bằng bất cứ giá nào và chỉ cảm thấy nhẹ nhõm khi máy bay đến Islamabad.

Những chuyến bay chật kín người

Bất ổn gia tăng trong những ngày sau đó. Những bức ảnh do Không quân Hoàng gia Anh công bố cho thấy bên trong một máy bay C-17, mọi người phải ngồi trên sàn thành hàng và chỉ có một sợi dây vắt ngang qua cabin để bám.

Đại tá Yannick Desbois, chỉ huy căn cứ 104 của Pháp chia sẻ: “Bạn phải giữ tỉnh táo, phân tích khả năng hoạt động của máy bay và chỉ chấp nhận số lượng tối đa có thể, để đảm bảo mọi việc không đi quá xa”.

Một chiếc A400M của Pháp thường có 110 chỗ ngồi, đã phải chở tới 235 người. Mọi người phải ngồi trên mặt đất, nhưng trong điều kiện an toàn, ông Desbois nói.

Các máy bay C-17 của Mỹ được thiết kế để chở tới 400 hành khách ngồi trên sàn, nhưng trong những cuộc không vận đầu tiên, một chiếc C-17 phải chở tới 823 người.

Đại tá Desbois cho biết, “quan trọng nhất là vấn đề trọng lượng”, trong số các hành khách, còn có nhiều trẻ em. Sau khi cất cánh, mọi việc dễ dàng hơn.

“Mọi người đều mệt mỏi, nhưng áp lực đã giảm đi. Nói chung, họ ngủ và chúng tôi làm công việc của mình”, chỉ huy Stephen nói./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo AFP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/loi-ke-cua-phi-cong-may-bay-di-tan-tu-kabul-chi-co-30-phut-de-ha-canh-roi-cat-canh-886083.vov