Ông Trump chưa tái đắc cử, 'cuộc chiến nhập cư' đã rậm rịch khai màn

Khi vấn đề nhập cư gần như đang trở nên mất kiểm soát, nhiều cử tri hi vọng các nhà cầm quyền sẽ có biện pháp hiệu quả hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng này, không loại trừ những động thái cứng rắn.

Bảy năm trước, trong buổi đầu nhậm chức, cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt tự đặt mình vào “tâm bão” nhập cư chỉ bằng một chữ ký tại phòng Bầu dục. Sắc lệnh mà cựu Tổng thống thông qua hồi tháng 1/2017 đã hiện thực hóa cam kết giải quyết vấn đề biên giới của ông trong suốt chiến dịch tranh cử trước đó, qua đó cấm người dân theo đạo Hồi tại một số quốc gia nhập cảnh vào Mỹ.

Tại thời điểm đó, chữ ký mở màn nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên đã khiến ông Trump trở thành mục tiêu công kích của phần đông người Mỹ, các nhà lập pháp cũng như đảng viên Cộng hòa, những người cho rằng động thái cứng rắn này là sai lầm và gây ra sự hỗn loạn không cần thiết trong bối cảnh chính phủ mới vừa được thành lập. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, sắc lệnh cấm nhập cư lại đạt được một số thành tựu nhất định, giúp cắt giảm đáng kể số người nhập cảnh vào Mỹ và tái định hình cách thức quan chức tuyến đầu của Mỹ áp dụng luật nhập cư trên khắp thế giới.

Cựu Tổng thống lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nhập cư đang đặt nước Mỹ vào tình trạng nguy hiểm do tình trạng gia tăng tội phạm không được kiểm soát từ dòng người vượt biên trái phép. Cử tri không ngạc nhiên khi chứng kiến sự trở lại của chính sách chống nhập cư của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm nay dưới hình dạng một “cuộc chiến”, khi cuộc khủng hoảng biên giới tại Mỹ là một trong những vấn đề “nóng hổi” nhất trên đường đua Tổng thống.

Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN.

Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN.

Ông Trump đang chuẩn bị cho “cuộc chiến nhập cư”

Theo ông Stephen Miller, cố vấn thân cận và là người dự kiến sẽ điều hành vấn đề nhập cư trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, chính phủ mới sẽ kêu gọi “cuộc chiến” trên toàn quốc về vấn đề nhập cư: “Cuộc chiến này sẽ có quy mô tương tự các dự án vĩ đại khác mà Mỹ đã được thực hiện, chẳng hạn như tuyến đường sắt xuyên lục địa hoặc đào kênh đào Panama”.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Karoline Leavitt, nói trong một tuyên bố với CNN: “Ông Trump sẽ khôi phục tất cả các chính sách trước đây của mình. Đây cũng là lời tuyên chiến với tất cả những tội phạm muốn vượt biên vào nước Mỹ”.

Trong Chương trình 2025 (Project 2025) - một chương trình nghị sự tiềm năng sẽ được áp dụng nếu giành được nhiệm kỳ thứ hai, ông chủ cũ của Nhà Trắng đã ưu tiên lộ trình thực hiện và cách thức áp dụng lệnh cấm nhập cảnh trong “cuộc chiến” sắp tới. Cụ thể, Chương trình 2025 đề cập đến những giải pháp cứng rắn như hạn chế visa, cắt giảm đáng kể yêu cầu xin tị nạn, tăng cường kiểm tra đột xuất các địa điểm làm việc nhằm “quét sạch” những trường hợp nhập cư bất hợp pháp,… Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai nhằm bắt giữ và trục xuất những người nhập cư không có giấy phép; và nếu cần thiết, quân đội Mỹ cũng vào cuộc.

Bên cạnh đó, Điều khoản 42 về cấm nhập cư được thực hiện trong thời kỳ đại dịch Covid-19 sẽ được áp dụng trở lại tại khu vực biên giới phía nam. Ngay cả những người nhập cư đang sinh sống tại nước Mỹ cũng sẽ phải lo sợ về nguy cơ bị trục xuất nếu không đủ giấy tờ.

Ông Trump tuyên bố sẽ trục xuất 15-20 người trong một ngày, trích dẫn tiền lệ mà đội ngũ cố vấn của ông dự định sử dụng trong việc hợp thức hóa chính sách nhập cư từng được chính quyền người tiền nhiệm Eisenhower thực hiện vào năm 1954. Đồng thời, đội ngũ cố vấn cũng đang xem xét các đạo luật từ thế kỷ XVIII đến thời cựu Tổng thống Clinton để cung cấp nền tảng pháp lý cần thiết trước khi trình Quốc hội. Dự thảo lệnh hành pháp đã được soạn thảo và sẵn sàng sửa đổi, triển khai theo yêu cầu của ông Trump.

Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông Trump đã thể hiện hình ảnh một người đàn ông “đã nói là làm”. Ông Todd Schulte, Chủ tịch nhóm vận động tư pháp hình sự và nhập cư FWD.us, cho biết: “Cử tri của ông Trump tin tưởng vào lời hứa của ông ấy, vì ông Trump nổi tiếng là người luôn giữ chữ tín. Đây sẽ là hoạt động trục xuất lớn nhất từ trước đến nay”. Niềm tin này cũng mở ra khả năng, giấc mơ Mỹ có thể sẽ khép lại với người nhập cư, khi bức tường biên giới không chỉ nằm bên ngoài không gian địa lý mà còn xuất hiện trên các văn bản pháp lý.

Sự tương phản với ông Biden

Ngay từ khi bước vào vũ trường chính trị, ông Biden đã thể hiện thái độ hoàn toàn đối lập với ông Trump trong vấn đề nhập cư. Chỉ vài giờ sau bài phát biểu nhậm chức vào đầu năm 2021, ông đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm nhanh chóng hủy bỏ các chính sách nhập cư có từ thời người tiền nhiệm Trump, đồng thời theo đuổi “một hệ thống nhập cư nhân đạo hoạt động nhất quán với các giá trị của nước Mỹ”.

Chính quyền ông Biden đã ban hành Đạo luật nhập cư năm 2021, trong đó quy định lộ trình trở thành công dân Mỹ giảm từ 13 năm xuống còn 8 năm, tăng số lượng thị thực được cấp hàng năm từ 55.000 lên 80.000; đồng thời nới lỏng nhiều quy định liên quan đến vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, một lượng lớn dân nhập cư đã lợi dụng “lỗ hổng” pháp lý trong chính sách mới này để vượt biên trái phép hoặc ở lại nước Mỹ dù đã quá hạn visa, dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty.

Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty.

Chỉ có 3,1 triệu người được nhập cư theo diện hợp pháp vào Mỹ, trong khi lượng di dân bất hợp hợp lên tới hơn 19 triệu người, lớn hơn dân số của thành phố New York.

Theo thống kê, số người nhập cư bất hợp pháp bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ dưới thời Tổng thống Biden đạt mức cao nhất trong lịch sử 100 năm của cơ quan này, trung bình hai triệu người mỗi năm.

Khủng hoảng nhập cư cũng khiến đảng Dân chủ bất đồng với Tổng thống đương nhiệm. Nhiều đang viên Dân chủ tại Nhà Trắng và Thượng viện đã kiên quyết ủng hộ đề xuất không có con đường trở thành công dân hoặc sự bảo vệ dành cho những người nước ngoài được chấp nhận vào nước Mỹ theo chương trình DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) có từ thời Tổng thống Obama và được ông Biden ủng hộ.

Dù đã xiết chặt chính sách nhập cư trong thời gian gần đây bằng cách ra lệnh trục xuất 300.000 người nhập cư mỗi tháng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, ông Biden và các đồng minh vẫn cho rằng chính sách biên giới của ông Trump là quá cứng rắn và không phù hợp.

“Chúng ta phải có khả năng kiểm soát biên giới của mình, bất kỳ quốc gia nào cũng vậy”, ông Biden nói tại buổi gây quỹ hôm 10/5 tại California. “Nhưng cách ông ấy (chỉ Trump) nói về vấn đề này quá cứng rắn. Đây không phải là cách mà nước Mỹ sẽ bảo vệ biên giới của mình”.

Cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 4 cho thấy sự gia tăng mạnh về tỷ lệ người Mỹ tin rằng vấn đề nhập cư là vấn đề quan trọng nhất cần được giải quyết ngay lập tức. Trong khi đó, 76% cử tri cung nhất trí vấn đề nhập cư sẽ quyết định kết quả bầu cử năm nay, theo thống kê của CNN trong cùng tháng. Những tuyên bố “suông” của ông Biden sẽ khó lòng đảo chiều suy nghĩ của cử tri, trừ khi chúng có thể dẹp yên cơn khủng hoảng trước cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Mặt trái của “cuộc chiến nhập cư”

Dù chính sách nhập cư của ông Trump đang nhận được sự ủng hộ nhất định, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tiến hành một cuộc chiến như vậy trong bối cảnh hiện nay sẽ gây hại cho nền kinh tế, khi người nhập cư được coi là “xương sống” của ngành lao động Mỹ, theo chuyên gia Schulte thuộc tổ chức FWD.us.

Những người nhập cư tại Mỹ tại Mass hôm 22/1/2019. Ảnh: Time Magazine.

Những người nhập cư tại Mỹ tại Mass hôm 22/1/2019. Ảnh: Time Magazine.

Phân tích của FWD.us cho thấy rằng việc nâng mức nhập cư lên 50% hàng năm sẽ làm tăng dân số trong độ tuổi lao động của Mỹ lên khoảng 13% vào năm 2040, đồng thời mở rộng hơn nữa nền kinh tế Mỹ. Trong báo cáo vào tháng 2 vừa qua, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho rằng nới lỏng chính sách nhập cư sẽ làm giảm thâm hụt liên bang và góp thêm 7 nghìn tỷ USD vào GDP và 1 nghìn tỷ USD vào doanh thu bổ sung của chính phủ trong thập kỷ tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, “cuộc chiến nhập cư” mà ông Trump đang ráo riết chuẩn bị sẽ có hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng trong tương lai lâu dài, chúng có thể gây ra những tác hại khôn lường.

Ông Daniel Costa, chuyên gia nghiên cứu chính sách định cư tại Viện Chính sách Kinh tế tại Washinton, Mỹ cho biết: “Người nhập cư hiện diện ở khắp nơi, trong tất cả các công việc đòi hỏi ít hay nhiều kỹ năng. Công nhân Mỹ có thể đảm nhiệm một số các công việc thuộc những ngành nghề nhất định, tuy nhiên vẫn còn khoảng trống về nhân lực trong các ngành nghề khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nếu thiếu lực lượng nhập cư”.

“Thiếu người nhập cư, kinh tế Mỹ có thế không trụ nổi kể cả khi ông Trump có nhiệm kỳ thứ hai”, ông Costa nói thêm.

Diệp Thảo/VOV.VN Theo CNN, FWD.us

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ong-trump-chua-tai-dac-cu-cuoc-chien-nhap-cu-da-ram-rich-khai-man-post1096385.vov