Giải pháp căn nguyên và toàn diện

Chiều ngày 20.5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển New Caledonia, một lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Sự việc bắt nguồn từ một dự luật vừa được Quốc hội Pháp thông qua về thành phần cử tri trong bầu cử địa phương. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và giới chuyên gia cho rằng, cuộc bạo loạn hiện nay cần một giải pháp toàn diện về chính trị chứ không phải những phản ứng về mặt an ninh.

Tuần bạo lực nghiêm trọng nhất trong 30 năm

Bạo loạn bắt đầu nổ ra ở New Caledonia từ ngày 13.5 khi Quốc hội Pháp xem xét thông qua một dự luật cải cách thành phần cử tri của vùng lãnh thổ này. Những người biểu tình đã cướp phá và đốt cháy các cửa hàng, hiệu thuốc, cũng như trạm xăng. Tính đến ngày 18.5, đã có ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 60 cảnh sát. Khoảng 260 phần tử bạo loạn bị bắt giữ. Đây được coi là vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1980 khiến hơn 90 người thiệt mạng, theo AFP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với người bản địa Kanak trong chuyến thăm New Caledonia vào tháng 7.2023. Nguồn: AFP/Ludovic Marin

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với người bản địa Kanak trong chuyến thăm New Caledonia vào tháng 7.2023. Nguồn: AFP/Ludovic Marin

Trước diễn biến vô cùng phức tạp, Bộ Nội vụ Pháp ngày 19.5 đã huy động hơn 600 hiến binh cho chiến dịch kiểm soát trở lại tuyến xa lộ chính dài 60km, nối liền thủ phủ Noumea với phi trường quốc tế để giải phóng những người bị mắc kẹt ở đảo, Le Monde đưa tin. Trước đó, khoảng 1.000 cảnh sát và hiến binh trang bị vũ khí hạng nặng đã được điều động tới New Caledonia để phối hợp cùng 1.800 nhân viên an ninh sở tại lập lại trật tự. Pháp cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở vùng lãnh thổ này từ ngày 16.5.

Cũng theo Le Monde ngày 20.5, Phòng Thương mại và Công nghiệp New Caledonia (CCI) đã đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả kinh tế - xã hội thảm khốc. Một nhóm doanh nghiệp tại New Caledonia ước tính thiệt hại từ cuộc bạo loạn hiện nay là 200 triệu Euro (tương đương 217 triệu USD) và thiệt hại đối với danh tiếng của quần đảo này có thể còn lớn hơn. Du lịch là nguồn thu lớn cho New Caledonia. Tuy nhiên, hơn 3.200 khách du lịch đã bị mắc kẹt trong hoặc ngoài quần đảo do sân bay quốc tế Noumea đóng cửa.

Paris ‘‘đơn phương’’ - giọt nước tràn ly

Các cuộc biểu tình bắt đầu ngày 13.5 với đối tượng tham gia hầu hết là giới trẻ, nhằm phản đối một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Pháp ở cách đó 10.000 dặm (gần 17.000km) đề xuất sửa đổi Hiến pháp để cho phép cư dân Pháp sống ở New Caledonia từ 10 năm trở lên được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Dự luật đã được Hạ viện Pháp thông qua ngày 14.5 và dự kiến được Tổng thống ký ban hành trong tháng 6.

Quyết định đơn phương của chính quyền Pháp bị cáo buộc là đi ngược lại với các thỏa thuận vào cuối thập niên 1980, trong đó Pháp cam kết sẽ từng bước trao quyền độc lập cho New Caledonia. Những thay đổi Hiến pháp được đề xuất sẽ bổ sung khoảng 25.000 cử tri vào danh sách cử tri của New Caledonia. Điều này khiến những người Kanak lo ngại về việc tăng quyền bầu cử cho người gốc Pháp sẽ làm giảm quyền tự quyết của người bản địa Kanak.

Việc Quốc hội Pháp thông qua dự luật cũng giống như giọt nước tràn ly sau những căng thẳng chính trị vốn đã âm ỉ trong nhiều năm giữa cộng đồng người Kanak bản địa phần lớn ủng hộ độc lập với phe thân Chính quyền Pháp, phần lớn là những cư dân gốc Pháp, vốn không ủng hộ cắt đứt mối quan hệ với quê hương của họ.

Di sản của lịch sử

Nằm ở Nam Thái Bình Dương với các nước láng giềng Australia, Fiji và Vanuatu, New Caledonia với diện tích gần 20.000km², dân số 300.000 dân, cách Paris 17.000 km, là một trong hàng chục lãnh thổ bán tự trị của Pháp nằm rải rác khắp Thái Bình Dương, Caribe và Ấn Độ Dương.

Chính quyền Paris sáp nhập New Caledonia vào năm 1853 và trao quy chế lãnh thổ hải ngoại cho hòn đảo vào năm 1946. Sau đó, người da trắng gốc Pháp và người Kanak bản địa cùng sinh sống tại đây. Tuy nhiên, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra trong bối cảnh những người Kanak phải sống trong tình trạng phân biệt khắc nghiệt, tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao.

Bạo lực bùng nổ vào những năm 1980 đã mở đường cho Thỏa thuận Matignon năm 1988 và một số thỏa thuận khác, cho phép khôi phục hòa bình dân sự và thiết lập khuôn khổ để trao quyền tự chủ chính trị lớn hơn cho New Caledonia vào năm 1998. Được đàm phán và ký kết trên tinh thần của Thỏa thuận Matignon, Thỏa thuận Noumea năm 1998 cam kết của Chính quyền Pháp về quá trình chuyển giao một số thẩm quyền cho New Caledonia trong nhiều lĩnh vực ngoại trừ quốc phòng, an ninh, tư pháp và tiền tệ. Ba cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đã được tổ chức trong các năm 2018, 2020 và 2021 như một phần của Thỏa thuận, song các cuộc bỏ phiếu đều thất bại do những người bản địa chiếm ít hơn 50% số cử tri.

Sau ba cuộc trưng cầu dân ý thất bại, Tổng thống Macron đã có chuyến thăm đến lãnh thổ này vào tháng 7.2023, tại đó ông kêu gọi “lòng khoan thứ” và “hướng tới tương lai”. Theo ông, các cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đều bị bác bỏ cho thấy tương lai của lãnh thổ này là nằm trong nền cộng hòa; đồng thời cho biết Pháp sẽ thúc đẩy cải cách Hiến pháp về quyền bầu cử ở New Caledonia “dựa trên sự đồng thuận”.

Tuy nhiên, ý định của Pháp đã thổi bùng lên cuộc đối đầu trong nội bộ New Caledonia giữa phe ủng hộ độc lập và phe trung thành với chính quyền trung ương. Bộ trưởng Nội Vụ Gerald Darmanin đã đứng ra làm ‘‘trung gian đối thoại’’ giữa hai phe trong 20 tháng, và 7 lần đi lại New Caledonia, nhưng nỗ lực để buộc phe đòi độc lập chấp nhận xét lại các thỏa thuận Matignon năm 1988 đã không thành công. Kết quả, Chính phủ Pháp vẫn thúc đẩy dự luật sửa đổi Hiến pháp, dù chưa có sự đồng thuận.

Cần giải pháp chính trị chứ không phải an ninh

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đang thổi bùng lên sự mâu thuẫn trên chính trường Pháp với việc những người cánh hữu kêu gọi tăng cường an ninh, nhanh chóng lập lại trật tự; trong khi những người cánh tả kêu gọi đối thoại để "giải quyết một trong những di sản của chính sách thuộc địa", theo Le Monde.

Trong ngày 19.5, Chủ tịch Hội đồng Hành pháp các vùng hải ngoại của Pháp bao gồm Réunion, Guadeloupe, Martinique và Guyana cùng hơn 20 nghị sĩ hải ngoại đã ký một tuyên bố chung, yêu cầu Chính phủ Pháp "rút lại ngay lập tức" dự luật cải cách, theo Francetvinfo. “Bằng cách thừa nhận sự tồn tại của người dân bản địa Kanak, Thỏa thuận Noumea được ký kết vào năm 1998 đã mở đường cho một quá trình phi thực dân hóa và cải cách thể chế một cách hòa bình (...). Việc sửa đổi Thỏa thuận này mà không có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan sẽ cấu thành hành vi phản bội tinh thần và nội dung của các thỏa thuận Matignon và Noumea”, tuyên bố của các Chủ tịch Hành pháp các vùng hải ngoại của Pháp có đoạn. Trong lá thư, các chính trị hải ngoại cũng nhấn mạnh, đối với các bên ký kết, việc rút lại văn bản là “điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại hòa bình”.

Tổng thống Pháp Macron đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng vào chiều ngày 20.5 để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Song, các nhà chính trị cho rằng “phản ứng an ninh sẽ không giúp giúp giải quyết tình hình”. Ngược lại, theo họ, “những phản ứng đàn áp này có nguy cơ tạo ra một vòng xoáy bạo lực”. “Chúng ta sẽ phải hướng tới một thỏa thuận chính trị mới. Chỉ có phản ứng chính trị mới chấm dứt được tình trạng bất mãn, bạo lực và ngăn chặn nội chiến”.

Trước đó, ngày 18.5, Chủ tịch Hạ Viện Pháp và nhiều nghị sĩ đã kêu gọi thành lập một ủy ban đối thoại về New Caledonia và lùi ngày triệu tập Quốc hội lưỡng viện để thông dự luật lần cuối cùng, dự kiến ban đầu là trong tháng 5. Do dự luật nhằm sửa đổi Hiến pháp, nên để có hiệu lực, văn bản này sau khi được mỗi viện thông qua vẫn phải được Quốc hội lưỡng viện Pháp tại Versailles thông qua lần nữa với đa số 2/3. Các nhà lập pháp cho rằng, việc lùi thời điểm bỏ phiếu là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho đối thoại.

New Caledonia với tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là niken và nằm ở một vị trí địa chiến lược quan trọng trong chính sách chuyển hướng sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Macron. Nếu Điện Elysee không khéo léo trong xử lý cuộc khủng hoảng lần này, những gì xảy ra cách đây 30 năm có nguy cơ sẽ nhấn chìm những kế hoạch chính trị của ông Macron cũng như ảnh hưởng tới cuộc bầu cử nghị viện châu Âu của Pháp sắp tới.

Quốc Đạt (Theo Le Monde, La Liberation, Francetvinfo)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/giai-phap-can-nguyen-va-toan-dien-i372337/