Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ

Ngày 13/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra hội thảo 'Doanh nghiệp với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo'. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023.

Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đề ra việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Đây cũng là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, là nhân tốt quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số Quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Quốc Hà thông tin, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hiện toàn thành phố có 151 doanh nghiệp khoa học công nghệ được chứng nhận. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Hà Nội khá đa dạng, bao gồm công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế; công nghệ vật liệu mới…

Theo mục tiêu đã đặt ra tại Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 28/2/2020, Hà Nội phấn đấu có tối thiểu 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2025. Nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ.

Quang cảnh hội thảo.

Thông tin một số cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, Trưởng Phòng Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Đào Quang Thủy cho biết, các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện đang được hưởng một số ưu đãi như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất. Một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vay vốn với lãi suất thấp hơn doanh nghiệp thông thường…

Hiện Bộ KH&CN đang lập đề xuất xây dựng luật sửa đổi Luật KH&CN, dự kiến trình trong năm nay. Bộ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KH&CN làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ.

Bộ KH&CN sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ. Trong đó định hướng, hoàn thiện chính sách đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế là 15 năm; đề xuất mức thuế suất 10%; bỏ quy định việc trừ đi các ưu đãi trước đó khi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia...

Tại hội thảo, đại diện một số chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học… cũng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên…

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lay-doanh-nghiep-lam-trung-tam-doi-moi-va-ung-dung-cong-nghe.html