Kịp thời hỗ trợ dòng vốn cho lĩnh vực lâm, thủy sản

Agribank tham gia chương trình chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định.

Hỗ trợ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm, thủy sản vượt qua khó khăn, Ngân hàng Nhà nước vừa triển khai chương trình tín dụng quy mô 15.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực này.

Agribank dự kiến dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho vay giúp doanh nghiệp sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ phục hồi. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.

Ngay sau khi chương trình được triển khai, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cam kết tham gia chương trình với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng; đồng thời miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ phục hồi.

Kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng lớn đến các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, người nuôi, trồng thua lỗ do giá nguyên liệu giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao khi số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20-50%.

Hiện Agribank cho vay lĩnh vực thủy sản với dư nợ khoảng 59.000 tỷ đồng. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Với sứ mệnh ra đời phục vụ phát triển "Tam nông", Agribank là ngân hàng chủ lực trong đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn và lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, Agribank cho vay lĩnh vực thủy sản với dư nợ khoảng 59.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, với 142.870 khách hàng, tập trung vào các ngành chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp và sản xuất chế biến gỗ, dư nợ hiện nay là hơn 55.400 tỷ đồng, với hơn 74.300 khách hàng.

Agribank đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; cùng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Mới đây, Agribank cũng triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu, áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thịt, thủy sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank. Ngoài ưu đãi về lãi suất, khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với tháng 6/2022. Theo các doanh nghiệp thủy sản đánh giá, sự sụt giảm và đứt gãy đơn hàng của ngành thủy sản đang trầm trọng hơn cả thời đỉnh dịch COVID-19. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ ở mức 9 tỷ USD, thấp hơn năm ngoái gần 2 tỷ USD. Lãi suất, vốn, tín dụng đang là điểm nghẽn căng thẳng nhất hiện nay với ngành hàng này nên việc có gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp; giãn nợ 4-6 tháng cho doanh nghiệp là rất cần thiết.

Mới đây, VASEP cũng kiến nghị gói kích cầu cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa và quý I/2024 bởi theo nhận định của VASEP, nhìn chung các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: lạm phát và tồn kho. Nhưng lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuổi năm.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.

Cũng giống như ngành hàng thủy sản, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, xuất hiện rào cản mới của thị trường EU...

Khó khăn bủa vây khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm chỉ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng như gỗ dán, ván sợi, ván bóc, dăm gỗ, viên nén còn tăng trưởng dương.

Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng, doanh nghiệp gỗ Việt sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng khi thị trường gỗ toàn cầu phục hồi nên việc đảm bảo dòng tài chính để kí kết các hợp đồng mới có ý nghĩa quan trọng trong phục hồi của ngành. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giải pháp trước mắt, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là duy trì dòng tiền./.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kip-thoi-ho-tro-dong-von-cho-linh-vuc-lam-thuy-san/301283.html