Khơi dậy giá trị di tích đình Khênh

Nằm dưới chân núi Khụ Khênh, đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, khi giặc Ngô đến xâm lược xứ Mường, ông Chưởng Tín, bà Triệu Ân đã lấy núi Khụ Khênh làm căn cứ chiêu binh, huấn luyện quân sỹ, đem quân đi đánh tan giặc Ngô, giết chết tướng giặc. Hai vị chặt đầu tướng giặc đem về Khụ Khênh tế trời, đất. Về sau, các vị hóa ở Khụ Khênh. Người dân Mường tưởng nhớ công ơn các vị nên đã lập đình để khói hương thờ phụng. Ngôi đình còn thờ các vị thần thánh là người có công mở đất, khai phá ruộng nước lập nên Mường Khênh.

Các hạt nhân văn nghệ vùng Mường Khênh mở đầu phần hội, góp phần tạo không khí rộn ràng cho Lễ hội đình Khênh năm 2023.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa, gắn liền với lễ hội tín ngưỡng của dân tộc Mường, đình Khênh được xếp hạng di tích cấp tỉnh từ năm 2020. Trước đó, trải qua thời kỳ chiến tranh tàn phá và những năm điều kiện kinh tế khó khăn, ngôi đình cổ không còn, lễ hội đình Khênh không được tổ chức và có nguy cơ mai một. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và một phần của Nhà nước hỗ trợ, đình Khênh hoàn thành xây dựng, tôn tạo lại từ năm 2017 - 2019 với thiết kế 3 gian, diện tích khoảng 80 m2. Ngôi đình và lễ hội đình Khênh được quan tâm khôi phục đã động viên, khích lệ cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo vệ giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Theo đồng chí Bùi Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND xã, kể từ khi đình được tôn tạo, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân vùng Mường Khênh được đáp ứng. Nhất là vào dịp đầu năm khi đình Khênh mở hội đã đón nhiều du khách đến dâng hương, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, đồng thời thu hút du khách bởi các nghi trình, nghi thức và tục trò độc đáo, hấp dẫn. Ngoài lễ hội chính, trong năm, tại ngôi đình còn diễn ra lễ cơm mới, các nghi lễ rửa lá lúa, diệt sâu bọ.

Vì đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên lễ hội đình Khênh xuân Quý Mão - 2023 diễn ra trong không khí tưng bừng, tổ chức quy mô bao gồm cả phần lễ và phần hội. Trong các ngày 2 - 4/2 (tức 12 - 14 tháng giêng), bà con nô nức về đình để chứng kiến các nghi lễ và thành tâm tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn các vị tiền nhân phù trợ cho dân làng có cuộc sống yên lành. Hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh cũng háo hức đến trải nghiệm và hòa vào không khí lễ hội độc đáo này.

Chị Nguyễn Phương Nhung, du khách Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được về dự hội. Trong thời gian lưu lại 1 ngày, rất tiếc là tôi không thể trải nghiệm được hết các hoạt động lễ hội. Tôi thực sự ấn tượng với cái hay, cái đẹp, tính nhân văn và đậm nét văn hóa Mường mà phần lễ của lễ hội đã mang đến.

Lễ hội đình Khênh cũng thỏa mong muốn bảo tồn, phục dựng những nét đẹp, giá trị văn hóa độc đáo của người dân Mường Khênh với nhiều nghi lễ, nghi thức được tái hiện như: nghi lễ ban phát lúa lộc đầu năm với mong muốn năm mới nhiều may mắn, phú quý, tài lộc đến với mọi người; lễ cầu chim nhắc nhở mọi người chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái; vần quay tượng Dạ Há thể hiện triết lý nhân sinh của người Mường; gõ đuống đuổi gió bão, sấm sét, gọi mưa về và tục vui kéo hội cầu cho đất mường bình yên, nam nữ giao duyên tìm được người thương.

Bên cạnh tái hiện các nghi lễ tâm linh, các tích phả, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người khỏe mạnh, người dân và du khách còn được tham gia các hoạt động vui chơi dân gian truyền thống của người Mường như đánh mảng, đẩy gậy, kéo co, ném còn…

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/181200/khoi-day-gia-tri-di-tich-dinh-khenh.htm