Kỳ 2: lan tỏa nghĩa cử cao đẹp đến cộng đồng

Với mong muốn có thể cứu được nhiều người bệnh đang cần mô/tạng để sống tiếp, cũng như lan tỏa nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến mô/tạng đến nhiều người trong xã hội, nhiều gia đình có các thành viên đã cùng nhau đăng ký hiến tặng mô/tạng của mình sau khi qua đời.

Hồi sinh nhiều cuộc đời từ những “trái tim bất tử”:

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - tấm gương tiêu biểu của phong trào vận động đăng ký hiến tạng của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: A.N

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - tấm gương tiêu biểu của phong trào vận động đăng ký hiến tạng của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: A.N

Cả gia đình cùng đăng ký hiến tạng

Năm 2015, ông Trịnh Văn Hải (SN 1961, trú tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) vô tình xem được một chương trình truyền hình có chủ đề hiến tạng và được truyền cảm hứng mạnh mẽ. Ông cho biết, khi xem chương trình đó, ông mới biết nước ta có hàng chục nghìn bệnh nhân đang cần ghép tạng mới có thể duy trì sự sống nhưng nguồn mô tạng hiến tặng lại rất ít. Ông nghĩ bản thân cần phải làm điều gì đó ý nghĩa, lan tỏa nghĩa cứ đăng ký hiến tặng đến mọi người. Nếu bản thân khi mất đi có thể hiến tặng bộ phận nào đó để cứu sống người bệnh là một điều vô cùng tuyệt vời. Cái chết sẽ không là hư vô nếu như chúng ta có thể hiến tặng một phần cơ thể để hồi sinh những cuộc đời khác.

Nghĩ là làm, ông nhanh chóng liên hệ tới số điện thoại của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng. Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng, ông Hải đã đăng ký hiến tất cả 12 bộ phận cơ thể (xương, da, tủy, thận, gan, giác mạc,…) sau khi qua đời. Gần 10 năm trôi qua nhưng chưa bao giờ ông Hải hối hận về quyết định đó.

Được chồng, cha của mình truyền cảm hứng, năm 2017, vợ và hai cô con gái của ông Hải cũng đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Họ cũng đều đăng ký hiến 12 bộ phận trên cơ thể mà không hề đắn đo, suy nghĩ. Bên cạnh đó, gia đình ông Hải cũng tích cực trong việc tuyên truyền, kêu gọi mọi người đăng ký hiến tạng để giúp đỡ những bệnh nhân kém may mắn trong xã hội.

Ông Nguyễn Văn Dũng trong ngày đăng ký hiến tạng. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Dũng trong ngày đăng ký hiến tạng. Ảnh: NVCC

Cho đi là còn mãi

Tại Thủ đô Hà Nội, nghĩa cử đăng ký tự nguyện hiến mô tạng khi chết/chết não ngày càng được lan tỏa sâu, rộng. Còn nhớ, cách đây hơn 6 năm, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo đã truyền đi thông điệp tích cực, thôi thúc nhiều người quyết định tự nguyện đăng ký hiến mô tạng khi chẳng may có điều gì không hay xảy ra với mình. Một trong những đơn vị đi đầu về thực hiện nghĩa cử tốt đẹp này tại Hà Nội là Hội Chữ thập đỏ phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Tính đến nay, Hội đã có 15 hội viên tình nguyện đăng ký hiến mô/tạng khi chết/chết não, trong đó có 2 cặp vợ chồng. Con số này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi chính những hội viên có nghĩa cử nhân ái đó đang tích cực tuyên truyền đến nhiều người hơn.

Một trong hai cặp vợ chồng cùng cùng đăng ký hiến tạng là ông Nguyễn Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Xuân Hương, trú tại tổ dân phố 1, phường Cửa Đông. “Tôi đã được chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân bị tai nạn, vì không được hiến tặng mô/tạng mà qua đời. Vì thế, việc đăng ký tình nguyện hiến mô tạng sau khi bị chết/chết não là rất ý nghĩa, có thể giúp nhiều người sống tiếp. Cứu người là quan trọng nhất. Tôi cũng mong muốn mọi người tìm hiểu nhiều hơn và ủng hộ, tạo nên phong trào giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương cũng bày tỏ: “Bản thân hoặc gia đình có người nằm viện mới thấy được sự quý giá của việc tự nguyện hiến mô/tạng cứu sống người bệnh. Thế nên vợ chồng tôi quyết định cùng đến viện đăng ký. Càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các con. Tôi nghĩ rằng “cho đi là còn mãi”, nếu chẳng may điều gì không hay đến với mình thì mình vẫn có thể giúp người khác được sống, nghĩa là mình vẫn đang sống, hơn nữa, mình còn góp phần lan tỏa điều tốt đẹp đó đến nhiều người”.

Bà Hương cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn phường Cửa Đông đăng ký hiến tạng. Bà Bùi Thị Hiếu (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là một trong số đó. “Khi được bà Nguyễn Thị Xuân Hương chia sẻ, vận động, tôi đã có thêm động lực để đăng ký hiến tạng nếu chẳng may qua đời. Tôi thấy nhiều bệnh nhân đang rất cần mô/tạng để được sống tiếp nên tôi cũng bàn với gia đình là khi nào mất, tôi sẽ hiến mô/tạng cứu người. Các con tôi đều đồng ý và nói rằng mẹ làm như vậy là rất nhân ái. Tôi nghĩ mình sống có chút gì đó giúp cho đời sẽ càng ý nghĩ hơn”, bà Hiếu cho biết.

Ngày 31/10/2022, tại buổi lễ chúc mừng hai bệnh nhân ghép giác mạc ra viện do Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) tổ chức, hai bệnh nhân đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, nhằm thể hiện sự tri ân đối với người hiến tặng và mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn của việc hiến tạng trong điều trị, cứu sống các người bệnh.

Được biết, hai bệnh nhân N.T.D (70 tuổi) và P.V (84 tuổi), cùng trú tại TP Huế, được ê-kíp Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép giác mạc thành công từ một phụ nữ (54 tuổi, ở Đắk Lắk) hiến tặng khi qua đời. Được biết, hai bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc đã lâu, sống trong cảnh mù lòa hơn 10 năm. Quá trình phẫu thuật ghép giác mạc diễn thuận lợi. Một tuần sau phẫu thuật, thị lực của cả hai bệnh nhân đều tiến triển tốt.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, thành công của các ca ghép chứng minh hoạt động hiệu quả của mạng lưới ghép giác mạc miền Trung và Tây Nguyên, đáp ứng kịp thời các yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn và thời gian khi thu nhận giác mạc ở những nơi xa, đồng thời bày tỏ lòng đối với tấm lòng nhân hậu của cá nhân và gia đình người hiến. Nghĩa cử cao đẹp ấy rất đáng được trân trọng và khuyến khích trong cộng đồng nhằm mang đến những tia hy vọng cứu giúp rất nhiều bệnh nhân đang mong chờ cơ hội điều trị bệnh.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-lan-toa-nghia-cu-cao-dep-den-cong-dong-380888.html