'Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thông tin phải kịp thời'

Đó là chia sẻ của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, trước báo chí tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ tại Trung tâm báo chí thành phố vừa diễn ra chiều 5/10.

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh thống kê số nạn nhân của vụ ngộ độc tại chung cư Palm Heights, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, đã vượt con số 50, trong đó 19 người nhập viện và một bé gái 6 tuổi tử vong ngày 01/10. Nhiều năm qua trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh không xảy ra ngộ độc thực phẩm dẫn đến chết người (trừ ngộ độc rượu metanol). Vụ ngộ độc thực phẩm này còn được cộng đồng hết sức quan tâm, bởi nạn nhân tử vong lại là trẻ em.

Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan tại cuộc họp báo

"Đây là sự việc đáng tiếc vô cùng", bà Phạm Khánh Phong Lan nói về vụ ngộ độc thực phẩm sau tiệc trung thu khiến trẻ 6 tuổi tử vong, tại cuộc họp báo chiều 05/10.

Về kinh nghiệm rút ra từ vụ việc ngộ độc thực phẩm sau tiệc trung thu, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết cần thông tin càng sớm càng tốt. Sự việc ngộ độc sau khi xảy ra nếu thông tin chậm trễ, thì cực kỳ nguy hiểm. Số nạn nhân chuyển nặng, thậm chí tử vong có thể nhiều hơn.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc kiểm tra cơ sở sản xuất bánh, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đây là có sở có thương hiệu lâu đời, uy tín của thành phố. Kết quả kiểm tra bước đầu, các bước từ cửa hàng đến cơ sở sản xuất đều đúng cam kết so với giấy phép đăng ký. Tuy nhiên, để kết luận nguyên nhân ở khâu nào vẫn phải chờ kết quả kiểm nghiệm và một số mẫu xét nghiệm của ngành y tế. "Nhưng dù cho kết quả như thế nào, thì chúng ta luôn luôn phải cảnh giác, vì nguy hiểm từ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn thường xuyên rình rập” - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phương Lan cho biết.

(VP thường trú đài Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khi-xay-ra-ngo-doc-thuc-pham-thong-tin-phai-kip-thoi-196162.htm