Đi tìm lời giải cho bài toán bảo đảm an toàn thực phẩm- Bài 1: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ thói quen ăn uống tùy tiện

Vấn đề an toàn thực phẩm trở nên 'nóng' hơn bao giờ hết khi hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra chỉ trong thời gian rất ngắn trở lại đây với hàng trăm người nhập viện. Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng mất an toàn an toàn thực phẩm... Đi tìm lời giải căn cốt cho bài toán an toàn thực phẩm lại một lần nữa lại được báo chí và dư luận nhắc tới. Báo Nhà báo và Công luận khởi đăng loạt bài viết xung quanh vấn đề này.

Ma trận thực phẩm đường phố

Hàng ngày, trên các con phố ở nhiều thành phố lớn cho đến đến các vùng thị trấn, thị tứ tình trạng hàng quán bày bán tràn lan, thiếu kiểm soát đã trở thành thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày của nhiều người dân.

Việc ăn uống tùy tiện đã tạo điều kiện cho những hàng quán tự phát mọc lên nhan nhản khắp nơi, thậm chí ngay bên cạnh hố rác, cống nước thải. Tình trạng này phổ biến. Thủ đô Hà Nội cũng không ngoại lệ. Trên con phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều cơ quan trung ương, địa phương người ta dễ dàng nhận thấy việc bán hàng ăn kém văn minh ngay trên vỉa hè vẫn thường xuyên diễn ra.

 Người dân vô tư bày bán, ăn uống ngay trên vỉa hè, lòng đường (ảnh Trinh Phúc).

Người dân vô tư bày bán, ăn uống ngay trên vỉa hè, lòng đường (ảnh Trinh Phúc).

Tầm 6h sáng nhiều quán hàng, người bán hàng rong đã bắt đầu bày hàng, bày biện hàng quán lên vỉa hè. Như một thói quen, hàng vừa bày ra các thực khách nhanh chóng tạt xe vào lề đường để mua hàng. Có người phi xe lên vỉa hè sau đó tranh thủ ngồi luôn trên xe ăn sáng. Tất cả tạo nên bức tranh hỗn độn của phố phường Hà Nội.

Theo quan sát, người bán xôi, bán bánh mì, bán giò chả tay thoăn thoắt liên tục gói đồ ăn cho các thực khách. Khách hàng là những trai thanh, gái lịch, dân văn phòng cho đến những người lao động bình dân. Tất cả mua bán, ăn uống vô tư như chưa từng có những cảnh báo liên quan đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi được phóng viên hỏi về nỗi lo an toàn thực phẩm khi ăn bên lề đường, vỉa hè, những quán hàng tạm bợ nhiều người đã từ chối trả lời. Phản ứng này của người dân cũng dễ hiểu, bởi đa phần họ đều do chủ quan nên mới lựa chọn việc ăn thức ăn đường phố ở những quán tạm ven đường, những nơi không cho thấy đã có một giấy chứng nhận nào từ phía cơ quan chức năng là có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rời xa con phố Nguyễn Văn Bạch, phóng viên đến với phố Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Tuyến phố này nối từ tòa nhà KeangNam cao nhất Hà Nội đến gần khu vực sân vận động Mỹ Đình. Đường phố Mễ Trì vốn nhiều bụi và hay tắc đường vào mỗi buổi sáng, những lúc tan tầm. Tuy nhiên, nơi đây cũng có thể gọi là thiên đường của đồ ăn nhanh. Ngay bên vỉa hè gần cạnh đèn đỏ, nhiều quán hàng bày bán xôi, khoai luộc, ngô nướng, bánh mì ....đã sắp sẵn trong tư thế phục vụ thực khách mỗi khi được yêu cầu.

Càng tắc đường, xe dừng đèn đỏ người bán hành càng bán được nhiều hàng. Thói quen ăn sáng ngay trên đường của nhiều người dân đã được đáp ứng từ những gánh hàng rong không địa chỉ này. Thói quen mua bán, ăn uống ngay trên vỉa hè, lòng đường của người dân Thủ đô hiện nay chưa thể gọi là văn minh. Thực trạng này tồn tại lâu dài như thói quen khó bỏ, tiềm ẩn nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều thành phố khác, nhiều vùng quê khác của Việt Nam cũng diễn ra thói quen tương tự. Nhiều người Việt Nam xem chuyện ăn uống không mấy quan trọng, sẵn sàng ăn uống bất cứ thứ gì cảm thấy an toàn theo cảm nhận chủ quan mà ít khi để ý quán hàng đó có đảm bảo vệ sinh, có giấy phép hay là không.

Bài toán cũ chưa kịp giải, bài toán mới đã đặt ra

Trong khi bài toán quản lý thức ăn đường phố đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết sau những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây thì trong lĩnh vực an toàn thực phẩm lại nảy sinh ra việc bán hàng ăn trên các nền tảng mạng xã hội. Nói về nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn phải khẳng định các đồ ăn, thức uống bán trên các mạng xã hội cũng không kém cạnh các quầy hàng bày la liệt bên vỉa hè.

Hiện nay, các hội nhóm ẩm thực được thành lập, các thực khách chỉ cần ở nhà ra lệnh yêu cầu là đồ ăn được ship đến tận nơi. Thói quen này ngày một phổ biến, đa số người mua không hề hay biết món ăn đó được chế biến như thế nào, người kinh doanh đã có giấy phép hay chưa. Anh Đỗng Ngọc Quang sống ở một khu đô thị ở phía Tây Hà Nội chia sẻ, khu vực anh nhiều bà nội trợ tranh thủ nhàn rỗi nấu ăn rồi bán trên mạng. Tất cả vừa tự nấu ăn, vừa tiếp thị bán hàng như chưa từng biết đến các quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các thực khách có nhu cầu nào thì trên mạng đều có người bán. Hiện việc nấu ăn để phục vụ khách hàng trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Nhiều nhân viên văn phòng cũng tranh thủ làm thêm, nhiều bà nội trợ tận dụng thời gian nhàn rỗi để kinh doanh. Với những người kinh doanh tự phát như thế này việc quản lý cũng đang là vấn đề cần phải tính đến.

Với thói quen tiêu dùng ít khi quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, độ an toàn của thực phẩm cho thấy ý thức của người tiêu dùng chưa cao. Trong khi cơ quan quản lý chưa có giải pháp tối ưu để quản lý ma trận thức ăn đường phố và đồ ăn nhanh bán trên các nền tảng mạng xã hội thì người tiêu dùng cần cảnh giác để bảo vệ bản thân. Tốt nhất tạo thói quen mua hàng ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp phép và buôn bán một cách chuyên nghiệp.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, PGS, TS Trần Đáng (Nguyên Cục Trưởng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Bộ Y Tế - Chủ Tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Chứng Năng Việt Nam) cho rằng, quản lý thức ăn đương phố nước ta cần phải học tập các nước, ngay như Trung Quốc nếu đến kiểm tra không đạt thì đóng cửa. Hoặc thức ăn đường phố của Nhật, trước cửa có dán một biển hiệu ví dụ màu xanh thì đủ điều kiện, màu đỏ cảnh báo không nên vào ăn vì không đủ điều kiện.

"Mình cần học tập các nước, tự giác như người Nhật, Tây Âu, Bắc Mỹ mà họ còn kiểm soát chặt chẽ như vậy. Chứ không để người buôn bán tự quyết định như nước ta hiện nay. Cơ quan quản lý cần kiểm tra đủ điều kiện mới được mở cửa. ..cả thế giới họ đều làm như vậy" - ông Trần Đáng nhấn mạnh.

Ý thức của người dân rất quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Sáng 15/5, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, lĩnh vực an toàn thực phẩm, hiện nay theo Luật và Nghị định 15 của Chính phủ thì có 3 cơ quan chịu trách nhiệm đó là Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, ngoài ra còn có cấp ủy của chính quyền các cấp.

Nhưng cũng phải nói đến ý thức của người dân trong vấn đề thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn Thực phẩm, Nghị định 15 và các văn bản hướng dẫn, cái đầu tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Trước hết nhận thức của chính quyền các cấp. Không kém phần quan trọng cần nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng về an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, các cấp các ngành cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát, đặc biệt kiểm tra giám sát đối với các bếp ăn tập thể, các cơ sở thức ăn đường phố. Vừa rồi các vụ lớn xảy ra, đều xảy ra ở quán bán thức ăn đường phố.

Nội dung này Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành có triển khai thực hiện nhưng hiện nay chúng ta phải cần kiểm tra giám sát để các cơ sở thực hiện tốt. Từ khâu nuôi trồng, thu hái, chế biến mục đích cuối cùng để người dân sử dụng thực phẩm sạch.

Ngoài ra theo ông Tuyên, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành trong quản lý. Liên quan đến an toàn thực phẩm không phải riêng của Bộ Y tế, các cấp các ngành đều phải vào cuộc.

Vì liên quan đến từ nuôi trồng, thu hái, lưu thông trên thị trường đến chế biến, sử dụng. Nuôi trồng thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp, chế biến lưu thông thuộc quản lý của Bộ Công thương. Trong khi kiểm định trước khi sử dụng, kiểm định cơ sở sản xuất thuộc trách nghiệm của Bộ Y tế.

Cơ bản nhất truyền thông làm sao nâng cao được ý thức của người dân. Tức chúng ta ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua sản phẩm, thực phẩm chưa rõ nguồn gốc, hạn chế tối đa sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh thì đó mới là điều quan trọng. Nếu chúng ta triển khai đồng bộ các giải pháp đó thì lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ cải thiện hơn.

Những con số biết nói

Trong năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Gần đây, trên phạm vi cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30 tháng 4 năm 2024 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị. Những vụ ngộ độc thực phẩm như vậy là bài học nhãn tiền cho những ai còn có thói quen ăn uống mất vệ sinh, thói quen tiêu dùng chủ quan, tùy tiện.

Bài 2: Ngộ độc thực phẩm: Nguyên nhân chính từ Nghị định 15/2018/NĐ-CP?

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-bao-dam-an-toan-thuc-pham-bai-1-tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-tu-thoi-quen-an-uong-tuy-tien-post295450.html