Thực hư chuyện con có thành tích học tập cao, mẹ được tòa cho hưởng án treo

Trong vụ AIC, cấp phúc thẩm cho bị cáo Lê Thị Hương hưởng án treo sau khi xem xét các tình tiết và chi tiết mới, trong đó có việc con trai bị cáo có thành tích xuất sắc trong học tập, được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen...

Gần đây, mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin liên quan đến việc một bị cáo trong vụ AIC được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì có con học giỏi, được tặng bằng khen.

Vậy điều này thực hư ra sao?

Vào tháng 5-2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án AIC thông thầu ở Bệnh viện Đồng Nai. Trong số các bị cáo kháng cáo có bị cáo Lê Thị Hương, cựu Phó ban Kế toán Công ty AIC.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt bà Hương mức án 3 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

 Bị cáo Lê Thị Hương (áo xanh, ở giữa). Ảnh: CTV

Bị cáo Lê Thị Hương (áo xanh, ở giữa). Ảnh: CTV

Tại cấp phúc thẩm, bà Hương xin Tòa xem xét các tình tiết mới như tích cực tác động gia đình nộp 100 triệu đồng khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo có công với cách mạng, có hai bác là liệt sĩ, bản thân bị cáo tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, có con trai đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán quốc tế và được tặng bằng khen.

HĐXX phúc thẩm nhận định, bị cáo Lê Thị Hương đã tích cực tác động gia đình nộp số tiền 100 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả; bị cáo được UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) xác nhận đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện (ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa phường, quỹ Bảo vệ trẻ em phường, ủng hộ quỹ Biển đảo Việt Nam, ủng hộ quỹ phòng chống thiên tai, quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống dịch Covid-19).

Bị cáo có con trai được Sở GD&ĐT TP Hà Nội tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập, tham cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế lần thứ 17 dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMMO 17).

Gia đình bị cáo có công với cách mạng, có 2 bác ruột là liệt sỹ.

Đây là những tình tiết và chi tiết mới, nên HĐXX phúc thẩm ghi nhận và xem xét cho bị cáo.

HĐXX xét thấy: Bị cáo Lê Thị Hương phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện theo sự chỉ đạo của các bị cáo khác. Bị cáo Hương đã chủ động khai báo hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, thiệt hại bị quy kết không lớn, đồng thời chủ động tự nguyện góp phần bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.

Hiện nay, hoàn cảnh bị cáo rất khó khăn, đã bị tạm giam một thời gian, đã nhận thức được sai phạm, đều có nơi cư trú rõ ràng, được gia đình và chính quyền địa phương cam kết giám sát giáo dục, bị cáo Hương sớm có điều kiện được kèm cặp, chăm nom, nuôi dưỡng tài năng đối với con của bị cáo, để trở thành người có tài, giúp ích cho xã hội.

Do đó, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật, mức độ nguy hiểm cho xã hội, vì chính sách nhân đạo nên có cơ sở áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Lê Thị Hương, giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho hưởng án treo và giao bị cáo cho chính quyền nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục cũng đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 222; các điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54, Điều 65, Điều 58 Bộ luật hình sự; khoản 4 Điều 328 BLTTHS năm 2015, xử phạt bị cáo Lê Thị Hương 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian thử thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo Lê Thị Hương, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

PLO sẽ có bài phân tích sâu xung quanh vấn đề này, mời bạn đọc đón xem.

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

...

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

...

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Vụ Việt Á: Cựu vụ phó cũng nêu thành tích của con để xin giảm nhẹ

Ngày 15-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các bị cáo khác trong vụ án Việt Á. Các bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ 14 năm tù về tội nhận hối lộ, số tiền 350.000 USD (hơn 8 tỉ đồng). Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hùng xin giảm nhẹ hình phạt và trình bày thêm các tình tiết mới.

Theo đó, bị cáo Hùng đã nộp thêm tiền để khắc phục hết hậu quả vụ án. Bị cáo cũng đã nộp 100 triệu đồng hình phạt bổ sung, nộp án phí sơ thẩm và nộp 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.

Ông Hùng còn trình bày thêm các tình tiết khác như bố vợ có huân chương, huy chương kháng chiến, bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, có nhiều bằng khen.

Cựu vụ phó còn nêu thành tích trong lao động của vợ và thành tích học tập của con, con bị cáo được tặng thưởng bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuc-hu-chuyen-con-co-thanh-tich-hoc-tap-cao-me-duoc-toa-cho-huong-an-treo-post790786.html