Hội thảo về phát triển một số cây trồng có khả năng đem lại giá trị kinh tế cao

BBK -Chiều 16/8, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo về phát triển một số cây trồng có khả năng đem lại giá trị kinh tế cao. Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội thảo

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp tại Hội thảo.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các cơ quan: Cục Trồng trọt; Viện Nghiên cứu Rau quả; Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp; Học viện Nông lâm nghiệp Việt Nam… các lãnh đạo phụ trách công tác nông lâm nghiệp tại địa phương qua các thời kỳ; đại diện một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.

Hội thảo đã giới thiệu một số sản phẩm thế mạnh, có yếu tố đặc hữu, bản địa của tỉnh như nhóm cây lương thực, cây ăn quả, dược liệu, cây lâm nghiệp. Trong đó một số cây đã trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao như: Bí xanh thơm, hồng không hạt, mơ, cam quýt, gạo nếp, gạo Bao thai…Trên địa bàn đã có các nhà máy, HTX tham gia vào các khâu sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị từ các sản phẩm như: Tinh bột nghệ, bí sấy khô, măng sấy khô, mơ muối…Tuy nhiên quy mô sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm qua chế biến, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng cần đánh giá lại yếu tố thời tiết, xác định đối tượng cây trồng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, Bắc Kạn có lợi thế về đất, nước, khí hậu tạo thành tiểu khí hậu đa dạng để phát triển một số cây trồng đặc sản, đặc trưng. Đi đôi với việc đó, Bắc Kạn cần chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm, nghiên cứu đưa vào thử nghiệm một cây trồng mới nhưng vẫn phải ưu tiên cây trồng chủ lực. Phát triển các HTX đi đôi với chế biến, làm tốt các sản phẩm thuộc trục sản phẩm quốc gia, sẽ khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Làm tốt quy hoạch vùng nguyên liệu, có định hướng rõ ràng, chú trọng xây dựng liên kết vùng, có chính sách thu hút nhà đầu tư để chế biến sâu. Chú ý xây dựng các vườn giống dược liệu, cây ăn quả, giống cây trồng rừng đạt chuẩn cung cấp cho người dân. Bảo tồn được các giống quý, đặc trưng của tỉnh có nguy cơ bị mai một.

Đối với cây dược liệu đã được phê duyệt trong Chương trình MTQG, cần tính toán, nghiên cứu xây dựng nhà máy thu mua, chế biến gắn với vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch…

Đại diện Công ty Công ty TNHH BORDERLESS ASIA tại phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) cần tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu ổn định

Tại hội thảo, các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu đã được tỉnh tiếp thu, ghi nhận, coi đây là những góp ý quý báu để tỉnh xem xét, lựa chọn các sản phẩm, cây trồng có giá trị đưa vào triển khai mở rộng diện tích.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh căn cứ vào các chỉ tiêu, nghị quyết, rà soát, đưa ra các giải pháp lựa chọn các loại cây có giá giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện địa phương. Tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, cụ thể hóa Nghị quyết để thực hiện. Cơ quan chuyên môn cần tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các loại cây có giá trị kinh tế. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp người dân tiếp cận các chính sách. Các sở, ngành liên quan tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên, người dân thay đổi quan điểm, tư duy trong cách làm để thực sự tạo sự lan tỏa, góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng bền vững./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/hoi-thao-ve-phat-trien-mot-so-cay-trong-co-kha-nang-dem-lai-gia-tri-kinh-te-cao-post54891.html