Giáo dục STEM thúc đẩy kinh tế tri thức

Hội Tin học TPHCM (HCA) vừa tổ chức một đoàn công tác đến Mỹ (từ 18-3 đến 27-3-2023) với nội dung 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hợp tác phát triển giáo dục'. Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri, đã ghi nhận lại thực tiễn chuyến đi, cũng như những kinh nghiệm của ông trong 10 năm học tập, làm việc và nghiên cứu về giáo dục STEM ở Mỹ.

Khi chúng ta nói về giáo dục, chúng ta nói đến trồng người, tức là chuẩn bị tâm thế cho những công dân của tương lai. Khẩu hiệu của đa số các các trường học đều có: “Vì lợi ích của mười năm trồng cây, vì lợi ích của trăm năm trồng người.”

Vậy các thế hệ công dân tương lai sẽ cần gì? Chuẩn bị gì? Đó là một câu hỏi không phải dễ trả lời nếu không dựa trên những giá trị cốt lõi, những phân tích khoa học, những mô hình tính toán.

Đoàn Hội Tin học TPHCM (HCA) thăm trường tiểu học Lewis Elementary School, thành phố Downey – nằm về phía Đông Nam của quận Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ.

Chúng ta nói về giáo dục STEM, hiểu một cách đơn giản nhất đó là trang bị những năng lực cần thiết về nền tảng khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán (Mathematics) cho học sinh để thích ứng với những đòi hỏi công việc trong tương lai.

Đối với chương trình phổ thông, đó không phải là chương trình chuyên, hướng nghiệp, chỉ đào tạo các kỹ sư, bác sĩ, mà đó là một một sự chuẩn bị cho tất cả các công dân toàn cầu toàn cầu thế hệ mới. Cho dù, các công dân ấy làm ngành nghề gì đi chăng nữa, họ cũng cần biết những kiến thức cơ bản về STEM, về những tác động của STEM đối với nền kinh tế, về các ứng dụng của STEM trong công việc và cuộc sống hằng ngày.

Tại sao STEM lại quan trọng đến vậy? Có 3 điểm cơ bản dựa vào các thống kê và dự báo: 1. Xã hội tương lai rất cần nguồn nhân lực về STEM, đó sẽ là yếu tố cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia. 2. Các nghề liên quan đến STEM có mức thu nhập trung bình cao hơn đối với các ngành nghề không liên quan đến STEM. 3. STEM thúc đẩy cho các ngành nghề khác trong xã hội phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Cách đây 5 năm, khi tôi viết bản thảo cho cuốn sách về STEM, tôi muốn mọi người hiểu về khái niệm. Tôi đã chỉ ra 7 ngộ nhận phổ biến. Trong đó có một ngộ nhận mà đến giờ tôi vẫn thường gặp khi trao đổi với các trường học, đó là giáo dục STEM được xếp vào hoạt động ngoại khóa, hoạt động phong trào. Không, giáo dục STEM đã là một thuật ngữ trong chính sách phát triển kinh tế của nhiều quốc gia rồi, trong đó có Mỹ, Anh, Úc, Canada, Hàn Quốc, Singapore…

Khoa học và công nghệ có một ý nghĩa lớn đối với xã hội. Đó không chỉ là động lực về phát triển kinh tế, mà còn mang lại những giá trị thực trong cuộc sống và góp phần giải quyết những vấn đề chung của thế giới. Hằng ngày chúng ta sử dụng tiện ích của công nghệ, chúng ta nói về căn cước công dân gắn chip, chúng ta nói về an toàn thực phẩm, sức khỏe, y tế, rồi chúng ta lại nói về biến đổi khí hậu, rồi nguồn năng lượng mới, điều đó là một phần tất yếu của cuộc sống hiện tại và trong tương lai, khi khoa học và công nghệ đã len lỏi vào rất sâu trong mọi hoạt động của xã hội loài người.

Câu chuyện trái dừa được gắn mã định danh, những tác phẩm nghệ thuật được số hóa chuỗi khối (blockchain), đi mua thức ăn bằng những cái nhấp chuột… đã không còn quá xa lạ. Những ứng dụng đó có được từ những thành tựu về nghiên cứu trong các lĩnh vực STEM.

Dĩ nhiên, để thành một sản phẩm và có mặt trên thị trường, các phát minh sáng chế còn cần phải hội đủ những kiến thức và kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác, như bán hàng, marketing, quản lý. Không có gì là duy nhất, nhưng có những thứ là động lực và là yếu tố khởi đầu cho sự thay đổi.

Việt Nam đang cần xây dựng một nền kinh tế dựa vào tri thức, xanh và bền vững, cách lựa chọn lúc này đó chính tập trung vào giáo dục, trong đó giáo dục STEM phải là một sự ưu tiên, không phải đầu tư vào sách giáo khoa, mà là người thầy giảng dạy.

Một năm chậm trễ trong giáo dục, sẽ đánh đổi bằng nhiều năm tụt hậu về kinh tế trong tương lai. Thay vì khắc phục hậu quả, chúng ta hãy chuẩn bị.

Khi chúng tôi đến thăm Plug and Play, vườn ươm doanh nghiệp lớn nhất thế giới tại Thung lũng Silicon (Silicon Valley), nơi hơn 30 kỳ lân (doanh nghiệp có giá trên 1 tỉ đô la) đã được sinh ra và lớn lên từ đây. Câu chuyện chúng tôi được nghe không phải là đầu tư bất động sản, mà đầu tư vào các ý tưởng về đổi mới sáng tạo dựa vào công nghệ.

Để có những đổi mới sáng tạo, không có gì khác là phải bắt đầu từ kiến tạo môi trường giáo dục khuyến khích sự sáng tạo. Chúng tôi đến thăm một trường tiểu học tại thành phố Downey, quận Los Angeles, tiểu bang California, được thấy các em học theo trò chơi và làm dự án khám phá khoa học (science exploration) và thiết kế kỹ thuật (engineering design). Ở đây, giáo viên không nói về sách giáo khoa (textbook), giáo viên nói về khung chương trình (curriculum), nơi giáo viên cùng với học sinh tự lên ý tưởng, tự thiết kế các hoạt động học tập sáng tạo.

Vai trò của học sinh vừa là chủ thể hưởng thụ, vừa là đồng tác giả của các giáo án. Học sinh được trao quyền (empower) trong việc lên ý tưởng và đề xuất các hoạt động trải nghiệm mới. Từ những ý tưởng thô sơ ấy, giáo viên trao đổi theo nhóm trong các tổ chuyên môn (Professional Learning Community – PLC), chiếu theo các bộ tiêu chuẩn (NGSS, Common Core Standards) để biến thành những ý tưởng giáo dục thực sự phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh, rồi từ đó xin tài trợ từ các quỹ giáo dục địa phương hoặc từ các cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy, một khung chương trình giáo dục phổ thông ở đây vừa có tính nguyên tắc theo các tiêu chuẩn của bang, vừa có tính linh hoạt, giúp học sinh và giáo viên được chủ động thực hành ngay kỹ năng sáng tạo. Việc trao quyền cho cả học sinh và giáo viên được chủ động lên ý tưởng và thiết kế các hoạt động dạy học đã khai thác được 3 đặc điểm căn bản của giáo dục STEM trong thời đại mới: Tính tự chủ (Autonomy), tính thích nghi (Adaptivity), tinh thần khởi nghiệp (Entrepreneurship).

Chúng ta đã và đang làm gì để khuyến khích môi trường giáo dục sáng tạo một cách thực chất, chứ không phải là hình thức? Câu hỏi mở mà tôi rất muốn lắng nghe từ ý kiến của các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam.

———————
(*) TS. Nguyễn Thành Hải hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri, Mỹ. Ông đồng thời là nhà sáng lập và CEO Công ty tư vấn giáo dục Searinet, Mỹ. Ông nhận học bổng VEF và là một trong những người Việt Nam đầu tiên học tiến sĩ về chuyên ngành giáo dục STEM.

TS. Nguyễn Thành Hải (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giao-duc-stem-thuc-day-kinh-te-tri-thuc/