Đồng hành cùng học sinh nghèo Đan Lai

Cùng với Chương trình 'Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng' và dự án 'Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường', mô hình 'Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên' đã hỗ trợ các em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn thuộc tộc người thiểu số Đan Lai có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, còn trang bị thêm kỹ năng để các em hòa nhập với cộng đồng.

Các em học sinh Đan Lai tại mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” thường xuyên được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể. Ảnh: Lê Thạch

Các em học sinh Đan Lai tại mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” thường xuyên được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể. Ảnh: Lê Thạch

Bắt đầu vào mùa nắng nóng, lúc 5 giờ 15 phút, sau tiếng kẻng báo thức, các em học sinh Đan Lai nội trú tại ký túc xá của Trường Trung học cơ sở Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) nhanh chóng thức dậy, hàng ngũ chỉnh tề, thực hiện các bài thể dục buổi sáng. Thiếu tá Phan Văn Thắm, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An, cán bộ “cắm ký túc” trực tiếp duy trì buổi tập thể dục. Sau đó, Thiếu tá Thắm đôn đốc các em thực hiện việc gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân, ăn sáng; chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập chu đáo cho một ngày học mới... Đó chỉ là một phần hoạt động trong ngày mà tổ công tác Đồn Biên phòng Môn Sơn hỗ trợ, giúp đỡ 82 học sinh Đan Lai của mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” đang nội trú tại ký túc xá Trường Trung học cơ sở Môn Sơn từ khi thành lập đến nay.

Vào tháng 11/2022, Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp với địa phương, nhà trường ra mắt mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” tại ký túc xá của Trường Trung học cơ sở Môn Sơn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh Đan Lai nội trú tại trường sinh hoạt, học tập tốt.

Để thực hiện được mô hình, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã lựa chọn và cử một tổ công tác gồm 3 đồng chí có năng lực, kinh nghiệm, năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý địa bàn, vừa hướng dẫn, giúp đỡ các em trong sinh hoạt, học tập tại ký túc xá như: Nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của các em; hướng dẫn các em trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện; tổ chức các hoạt động tập thể dục buổi sáng, thể thao buổi chiều, lao động tăng gia, chăn nuôi; giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cá nhân; vệ sinh môi trường, duy trì chế độ, nền nếp như người chiến sĩ, giúp các em kỹ năng sống để các em sớm hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, tiến hành kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn lực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các em ở khu ký túc xá.

Thiếu tá Phan Văn Thắm nhớ lại những ngày đầu thực hiện mô hình: "Các em ở độ tuổi từ 11-16 tuổi, đang ở cùng gia đình, được dỗ dành, chăm lo từ ăn, ngủ, học hành..., nay phải xa gia đình và người thân để làm quen môi trường mới, tự mình làm mọi việc, từ học hành, ăn, ngủ, nghỉ, vệ sinh, tắm giặt... nên bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các thầy cô giáo, tuổi trẻ địa phương thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình để các em dần quen với nếp sống, sinh hoạt mới. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; hướng dẫn các em trồng rau, trồng cây..., tạo môi trường, sân chơi lành mạnh để các em dễ gần gũi với các bạn học sinh các dân tộc khác trong trường".

Thiếu tá Phan Văn Thắm luôn hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh học tập tại ký túc. Ảnh: Lê Thạch

Thiếu tá Phan Văn Thắm luôn hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh học tập tại ký túc. Ảnh: Lê Thạch

Qua một thời gian thực hiện mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”, với sự nỗ lực của cán bộ tổ công tác, sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà trường, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ mô hình đã giúp các em nâng cao chất lượng học tập; mạnh dạn hơn trong giao tiếp, hòa đồng với bạn bè, thầy, cô giáo và mọi người xung quanh; biết sắp xếp nội vụ cá nhân, chăn màn, phòng nghỉ gọn sạch; biết tăng gia, chăn nuôi; tự tin hơn trong sinh hoạt tập thể, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do nhà trường, địa phương, đơn vị tổ chức. Các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ mô hình 800kg gạo, 120 thùng mỳ tôm, 70 thùng sữa, 125 chiếc áo ấm, 1 phòng thư viện trị giá 35 triệu đồng; sơn sửa toàn bộ khuôn viên ký túc xá, trị giá gần 40 triệu đồng...

Ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn chia sẻ: "Tộc người Đan Lai trước đây chủ yếu sống biệt lập trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, tồn tại các tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn, có nguy cơ thoái hóa về giống nòi nên mô hình ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giúp các học sinh tộc người Đan Lai nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng trong cuộc sống; tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật. Từ đó, chính các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, dòng họ, tộc người của mình xóa bỏ những hủ tục, ngăn ngừa nguy cơ tuyệt chủng về giống nòi, phát triển đi lên, hòa nhập với cộng đồng".

“Từ những kết quả đạt được của mô hình này tại Môn Sơn, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương, nhà trường khảo sát để nhân rộng mô hình trong toàn tuyến biên giới BĐBP Nghệ An quản lý, gắn với thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường”, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới” - Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An thông tin thêm.

Lê Thạch

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-hanh-cung-hoc-sinh-ngheo-dan-lai-post475769.html