Đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân

Năm 2023 là một năm 'bận rộn' của những người làm công tác đối ngoại của Việt Nam.

Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đóng góp vào thành công chung của đối ngoại Việt Nam trong năm qua, không thể không kể đến đối ngoại nhân dân nói chung và hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng với vai trò trụ cột, nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân. Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những dấu ấn nổi bật của đối ngoại nhân dân năm vừa qua và những dự định sắp tới.

Cùng với các hoạt động đối ngoại nói chung, năm 2023 chứng kiến hoạt động đối ngoại nhân dân, trong đó nòng cốt là hệ thống các tổ chức thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam diễn ra sôi động. Vậy, theo ông, đâu là những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân trong năm vừa qua?

Trước tiên, tôi muốn nói sơ qua về tình hình thế giới khu vực và trong nước có tác động đến công tác đối ngoại của Việt Nam nói chung, công tác đối ngoại nhân dân của hệ thống VUFO nói riêng.

Bối cảnh tình hình thế giới trong năm 2023 có rất nhiều biến động, đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có thể thấy năm 2023 là một năm “bận rộn” của đối ngoại Việt Nam. Trong tổng thể của một năm rất bận rộn và thành công của đối ngoại Việt Nam, đối ngoại nhân dân nói chung và hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng, với vai trò trụ cột, nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, có những đóng góp nhất định. Có thể kể tới mấy điểm lớn như sau:

Cuối năm 2022, chúng tôi đặt ra 4 trọng tâm rất lớn đối với công tác của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trọng tâm lớn thứ nhất là củng cố tổ chức bộ máy hệ thống của Liên hiệp, không chỉ tập trung củng cố tổ chức bộ máy ở cơ quan thường trực mà là củng cố tổ chức bộ máy ở cả hai cấp, cả cơ quan thường trực các hội hữu nghị song phương và đa phương ở Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở 52 tỉnh, thành phố.

Trọng tâm thứ hai là đổi mới tư duy, hình thức, cách tiếp cận, nội dung và phương pháp triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Trọng tâm thứ ba là củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động làm công tác đối ngoại nhân dân chuyên trách tại cơ quan thường trực ở Trung ương và cả 52 liên hiệp địa phương.

Trọng tâm thứ tư là trọng tâm nền tảng để thực hiện được 3 trọng tâm đầu. Đó là chúng tôi phải thực hiện làm sao nâng cao toàn diện công tác xây dựng Đảng trong toàn hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trong đó tập trung vào tổ chức, quán triệt, học tập, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII; thực hiện các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác đối ngoại. Ví dụ như Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong hình hình mới” và đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên tổ chức vào ngày 14/12/2021.

Với những trọng tâm như vậy, chúng tôi có những kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm để thực hiện công tác của mình, với một số kết quả lớn như sau:

Thứ nhất, trong năm 2023, việc duy trì quan hệ với các đối tác hiện có của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được củng cố thêm một bước. Chúng tôi mở rộng mạng lưới đối tác của hệ thống VUFO, bởi hiện nay, nhiều bạn bè đối tác của nhân dân Việt Nam, mạng lưới đối tác của VUFO cũng như của các Hội hữu nghị song phương và đa phương đã cao tuổi.

Thứ hai, VUFO đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Chúng tôi kỷ niệm thiết lập 50 năm quan hệ ngoại giao với một loạt các nước như: Canada, Argentina, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Anh, Pháp, Italy, Hà Lan… Chúng tôi triển khai các chuỗi hoạt động này bằng các hình thức mới, nội dung mới, cách tiếp cận mới và có nhiều sự tham gia mới từ các đối tác nước ngoài.

Thứ ba, đối với các hoạt động cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khi VUFO và các tổ chức nhân dân, đoàn thể được giao trách nhiệm thực hiện các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân, chúng tôi đã thực hiện rất thành công theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đơn cử như nhân dịp chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, VUFO đã phối hợp với các cơ quan tổ chức thành công cuộc Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 22/5/2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất và Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia, ông Medvedev sang Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp của Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Medvedev với những người đã từng học tập, làm việc, sinh sống và những người Việt Nam yêu Liên bang Xô Viết trước đây và nước Nga ngày nay.

Thứ tư, công tác vận động phi chính phủ nước ngoài cũng đạt được con số ấn tượng. Giá trị giải ngân viện trợ năm 2023 đạt 223,3 triệu USD. Năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động của dịch bệnh, chiến tranh, các cuộc xung đột, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó có điều chỉnh các chính sách viện trợ cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh như vậy, VUFO đã đổi mới hình thức và phương thức tiếp cận vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Thứ năm, công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin tuyên truyền đối ngoại. Trong năm 2023, VUFO có chủ trương nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu tham mưu. Chúng tôi không đặt mục tiêu là nghiên cứu chiến lược nhưng chúng tôi tập trung và đặt mục tiêu nghiên cứu theo dõi, nắm bắt, đánh giá tình hình ở các nước, các khu vực và trên toàn thế giới. Trong đó có một điểm nhấn là nghiên cứu, đánh giá, theo dõi các phong trào nhân dân thế giới và có quan hệ gần gũi với Việt Nam. Việc tập hợp lực lượng hiện nay của các tổ chức, các phong trào nhân dân trên thế giới rất linh hoạt và đa dạng trên nhiều vấn đề cả về cách thức tập hợp lực lượng, cả về mặt hình thức, nội dung tập hợp.

Xác định đây là vấn đề quan trọng, chúng tôi đã thực hiện trong năm 2023, dự kiến cuối năm 2024 chúng tôi sẽ hoàn thành sản phẩm: vẽ bản đồ các tổ chức, phong trào nhân dân thế giới phục vụ công tác đối ngoại Việt Nam nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân.

Chúng tôi thực hiện tốt việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc truyền tải thông tin về đất nước, con người, chính sách, văn hóa, quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thông tin của chúng tôi đến với bạn bè khắp các châu lục cũng góp phần làm giảm thiểu, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc.

Xin ông chia sẻ phương hướng tổng thể cho đối ngoại nhân dân trong năm 2024?

Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực cũng như vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, trong năm 2024, chúng tôi xác định một số những nội dung trọng tâm đối với hệ thống của Liên hiệp như sau:

Thứ nhất, trong thực hiện đối ngoại nhân dân trên khía cạnh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, chúng tôi tiếp tục đổi mới tư duy, hình thức, phương thức, cách tiếp cận trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân. Điều này đòi hỏi rất nhiều các yếu tố thời gian và công sức, từ cách thức trao đổi, tổ chức các hoạt động, cách thức phối hợp với các chủ thể để tiến hành các hoạt động đối ngoại cả trong nước và ngoài nước cũng như là những nội dung của các hoạt động đó.

Thứ hai, để thực hiện được đổi mới tư duy, cách tiếp cận, hình thức, phương thức về nội dung hoạt động đối ngoại, công tác cán bộ là công tác quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc đào tạo cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân với những yêu cầu mới, cách thức mới, nội dung mới. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân trong toàn hệ thống liên hiệp ở cả hai cấp: cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố.

Thứ ba, tiếp nối kết quả năm 2023, năm 2024, chúng tôi sẽ mở rộng đối tác trên kênh nhân dân ở khắp các châu lục mà chúng tôi đã và đang có quan hệ.

Thứ tư, hiện nay, trước bối cảnh rất nhiều chính sách của các nước thay đổi, công tác phi chính phủ nước ngoài đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận mới. Cách tiếp cận mới ở đây là đa dạng hóa được nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Về mảng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, chúng tôi sẽ có những đổi mới về mặt nội dung và hình thức công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại với một mục tiêu duy nhất làm sao tất cả hệ thống đối tác, bạn bè của Việt Nam trên kênh nhân dân phải nhận được thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn, đa dạng hơn trên các mặt về Việt Nam.

Theo ông, trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam” có ý nghĩa thế nào trong triển khai công tác đối ngoại nhân dân?

Khái niệm về "ngoại giao cây tre" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập lần đầu tiên vào năm 2016. Gần đây nhất, chúng ta có cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đề cập rất kỹ về trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, thể hiện được tâm hồn, cốt cách, khí phách của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, với ba cụm từ rất là quan trọng, có thể nói là 3 từ khóa đó là: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

Từ góc độ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chúng tôi cho rằng "gốc vững" đại diện cho ý chí tự lực, tự cường; ý chí độc lập, tự chủ; tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; mục tiêu của đường lối đối ngoại; lợi ích quốc gia, dân tộc.

Còn về "thân chắc" ở đây chính là sự phối hợp. Chúng tôi nhìn dưới góc độ phối hợp giữa ba trụ cột ngoại giao: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2023 diễn ra vào ngày 8/1/2024, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai có nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ba trụ cột đối ngoại chính là công tác phối hợp. Nếu công tác phối hợp tốt sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp cho nền ngoại giao và đối ngoại Việt Nam.

Còn về "cành uyển chuyển", đó chính là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong đối ngoại nhân dân. Đây cũng thể hiện chính bản chất của công tác đối ngoại nhân dân. Bản chất của công tác đối ngoại nhân dân đó chính là công tác dân vận quốc tế, “ngoại giao tâm công”, thuyết phục, vận động bạn bè nhân dân, phong trào, chính khách và các nước ủng hộ cho lợi ích quốc gia, dân tộc của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn ông!.

Việt Đức/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/doi-moi-tu-duy-cach-tiep-can-trong-trien-khai-hoat-dong-doi-ngoai-nhan-dan-20240210172300270.htm