Đổi mới phương thức để thông tin đối ngoại bắt kịp xu hướng truyền thông quốc tế

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu công tác thông tin đối ngoại cần đổi mới, sáng tạo phương thức tuyên truyền để bắt kịp xu hướng truyền thông hiện đại của thế giới.

Khách tham quan tại gian hàng quảng bá nghệ thuật sơn mài trong khuôn khổ Ngày Việt Nam tại Nhật năm 2023. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Dư luận thế giới nhận định Việt Nam là một đất nước đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, có vai trò chủ động, tích cực trong các việc chung của thế giới, là một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Thành tựu đó có sự góp sức không nhỏ của công tác thông tin đối ngoại.

Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị Toàn quốc Tổng kết Công tác Thông tin đối ngoại, Tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội.

Mở rộng ‘vùng đỏ’ thông tin chính thống

Điểm lại công tác thông tin đối ngoại năm 2023, Đại sứ, Vụ trưởng Hoàng Ngọc Vinh (Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao) khẳng định các cơ quan liên quan đã làm tốt công tác theo dõi, phân tích, nghiên cứu tình hình, tuyên truyền, đấu tranh dư luận, chẳng hạn như Chương trình “Biên giới-Biển đảo-Quê hương” phát trên Truyền hình Thông tấn.

Đại sứ, Vụ trưởng Hoàng Ngọc Vinh (Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao) trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bộ Ngoại giao cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về biên giới lãnh thổ với sự tham gia của đông đảo học giả, đại biểu trong nước và quốc tế; tích cực sử dụng, phát huy các kênh thông tin truyền thông mới, truyền thông hiện đại để tiếp cận rộng rãi, tương tác tích cực với nhiều tầng lớp công chúng.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tăng cường hợp tác quốc tế, nỗ lực thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đó, Đại sứ, Vụ trưởng Hoàng Ngọc Vinh cũng nêu một số hạn chế như: Thông tin tuyên truyền đi theo “lối mòn,” việc cung cấp thông tin đôi khi còn chậm, tạo ra khoảng trống để các đối tượng lợi dụng.

Ông Vinh nêu bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, chỉ rõ ba vùng tư tưởng chính luận, gồm ‘vùng đỏ’ là lực lượng báo chí chính thống, ‘vùng đen’ là các thông tin tiêu cực trên mạng và trong xã hội, ‘vùng xám’ là vùng giao thoa giữa hai vùng trên.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải giữ chắc bằng mọi giá ‘vùng đỏ,’ chủ động can dự, đấu tranh để ‘vùng đen’ từng bước đổi màu và tích cực chuyển ‘vùng xám’ thành ‘vùng đỏ’,” ông Vinh nêu rõ.

Tận dụng công nghệ trong tuyên truyền

Ở góc độ cơ quan báo chí, bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho hay các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đang xây dựng chủ trương, chiến lược để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí ở nước ngoài.

Bà Vũ Việt Trang nêu ví dụ từ vụ tai nạn xảy ra tại Lâm Đồng làm bốn du khách Hàn Quốc thiệt mạng vào tháng 11 vừa qua, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul đã nhanh chóng cung cấp thông tin chính thống cho báo chí sở tại, tránh được sự hoang mang, lo sợ trong xã hội Hàn Quốc do một số mạng xã hội thổi phồng rằng du lịch Việt Nam không an toàn.

Bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trên cơ sở đó, bà Vũ Việt Trang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo để nâng cấp và mở rộng mạng lưới cơ quan thường trú nước ngoài nhằm trực tiếp sản xuất thông tin quốc tế ở những địa bàn trọng điểm.

Trong định hướng phát triển thời gian tới, triển khai Chiến lược “Chuyển đổi Số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” Thông tấn xã Việt Nam mong muốn tiếp tục được đầu tư nguồn lực cho Chuyển đổi Số nói chung và nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin quốc tế nói riêng.

Trong chiến lược này, bà Vũ Việt Trang nêu rõ rằng các nhà báo cần phải học hỏi để làm phong phú thêm tri thức, tăng cường kỹ năng về nghiệp vụ báo chí và sự nhạy bén chính trị để xử lý những thông tin quốc tế nhạy cảm đồng thời có kỹ năng làm chủ được công nghệ.

Để tác nghiệp cùng trí tuệ nhân tạo (AI), Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khuyến cáo người làm báo cần tránh hai xu hướng: Lệ thuộc vào AI và tẩy chay AI.

“Việc quá lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo sẽ làm năng lực tư duy bị bào mòn. Chúng ta mất đi phản xạ nghề nghiệp, trở thành một ‘quân cờ’ trong cuộc chiến thông tin mà lẽ ra chúng ta phải là người chơi cờ. Song, chúng ta cũng không nên xa lánh AI bởi AI là một nguồn tri thức của nhân loại,” bà Vũ Việt Trang chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Nhất Hoàng trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu một số giải pháp tăng cường hiệu quả của thông tin đối ngoại, trong đó nhấn mạnh sự đổi mới sáng tạo trong cách làm.

Thứ nhất, công tác tuyên truyền cần đa dạng hóa các kênh thông tin, tận dụng mạng xã hội, để những người nổi tiếng, văn nghệ sỹ có sức ảnh hưởng trong xã hội, có nhiều người theo dõi cùng tham gia vào công tác thông tin đối ngoại.

Tiếp đó, ông Trần Nhất Hoàng cho rằng cách “kể chuyện” cũng cần phải thay đổi sao cho hấp dẫn hơn.

“Nghiên cứu cho thấy với mỗi đoạn phim hay thông điệp, nếu trong 3-5 giây đầu mà người xem không thấy hấp dẫn thì họ sẽ bỏ qua. Do đó, chúng ta phải đổi mới trong cách tuyên truyền,” ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ.

Ông Hoàng cũng kiến nghị xây dựng một kho dữ liệu quốc gia trên nền tảng công nghệ, chẳng hạn như kho dữ liệu hình ảnh và video “Happy Vietnam” của Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong năm 2024, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan liên quan phải lan tỏa và tranh thủ được những kết quả đối ngoại quan trọng đã đạt được, biến những kết quả đối ngoại thành kết quả phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; xây dựng vùng Biển Đông hòa bình, an toàn, ổn định.

“Các cơ quan liên quan cần nhanh chóng đưa các quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới đi vào thực tiễn triển khai nhiệm vụ; phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cách thức triển khai để đạt được hiệu quả cao nhất,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu nội dung tuyên truyền, thông tin đối ngoại đảm bảo toàn diện, đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm; phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại tiếp tục được đổi mới theo hướng hiện đại, bắt nhịp xu hướng truyền thông quốc tế; tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, tích cực tìm kiếm, linh hoạt tăng cường nguồn lực triển khai nhiệm vụ.

Đặc biệt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, khẳng định vai trò quan trọng, tiên phong của lực lượng báo chí truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, các ban chỉ đạo về thông tin đối ngoại, biên giới, biển, đảo từ Trung ương đến địa phương./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doi-moi-phuong-thuc-de-thong-tin-doi-ngoai-bat-kip-xu-huong-truyen-thong-quoc-te-post917016.vnp