Độc đáo ngôi đền thờ thần chó ở Hà Nội

Nằm gọn trên đảo nhỏ ở hồ Trúc Bạch, ngôi đền Thủy Trung Tiên còn có tên gọi khác là đền Cẩu Nhi được bao xung quanh bởi những hàng cây xanh cổ thụ um tùm. Nơi này gắn liền với truyền thuyết hai mẹ con chó hóa thần và được cho là có nguồn gốc từ thời nhà Lý.

Đền Cẩu Nhi như cách gọi quen thuộc có tên chính thức là đền Thủy Trung Tiên được nối với đường Thanh Niên bằng chiếc cầu đá dài 18m gồm năm nhịp, thân cầu chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ đường Thanh Niên vào thẳng cổng tam quan của đền. Đây là cây cầu mới được hoàn thành xây dựng từ năm 2017.

Đúng với cái tên Cẩu Nhi, hình ảnh những chú chó chế tác bằng đá xuất hiện hầu như mọi vị trí trong đền, từ ngay vị trí sát cạnh cầu đá cho tới mọi bậc thềm trong đền .

Tháng 8/2017, đền Thủy Trung Tiên hoàn thành quá trình tôn tạo quy mô lớn và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố.

Trong đền, trên tấm bia đá đã mờ chữ do thời gian có đoạn viết về lịch sử ra đời ngôi đền này vào thời vua Lý Thái Tổ: "Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi đều hóa, vua nghe chuyện bảo đó là chó thần bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu trên núi và dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này”.

Xung quanh bia đá chạm nổi hình cánh sen khắc 4 chữ “Di tích Cẩu Nhi”. Theo huyền sử, đền Cẩu Nhi tức đền Thủy Trung Tiên ngày nay có từ đầu đời Lý, gắn với câu chuyện truyền thuyết một con chó đang có chửa đã giúp Lý Công Uẩn xây thành Thăng Long trên nền thành cũ Đại La.

Sau khi xây thành, Lý Công Uẩn lúc này đổi niên hiệu thành Lý Thái Tổ, đã xây đền Cẩu Nhi ở trên chính núi Nùng để thờ hàng năm, coi như đó là đặc ân của tạo hóa cho dân Đại Việt.

Sau này, đền Cẩu Nhi được di dời từ núi Nùng, mang ra xây ở vị trí hiện nay, tại khu hồ Trúc Bạch. Sau suốt thời gian dài, truyền thuyết về hai mẹ con chó hóa thần từ thời Lý bị lãng quên theo thời gian.

Trải qua rất nhiều biến cố, năm 1982, ngôi đền trên đảo giữa hồ Trúc Bạch bị phá để mở một cơ sở sản xuất ở đây. Đến năm 1985, tại địa điểm này còn hình thành một quán ăn gọi là Cổ Ngư quán và ở đây người ta mở nhạc, thậm chí có cả khiêu vũ, tổ chức các đám cưới trong đền cũ này. Sau thời gian dài tranh luận giữa các nhà khoa học và sử học, đến năm 2015 UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa quyết định khôi phục đền Cẩu Nhi.

Sau 2 năm thi công, năm 2017 đền Thủy Trung Tiên hay đền Cẩu Nhi hoàn thành công tác trùng tu để có diện mạo hoàn chỉnh như hiện nay. Dù nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và có vị trí độc đáo, nhưng vẫn khá ít người biết đến ngôi đền do vị trí nằm ẩn mình trong lùm cây cổ thụ giữa hồ Trúc Bạch.

Sơn Quách

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doc-dao-ngoi-den-tho-than-cho-o-ha-noi-post27886.html