Nạn đảo ngược từ tùy tiện

Viết đảo ngược từ không biết xuất hiện từ bao giờ và ai là người viết đầu tiên. Việc đảo ngược từ cũng là một cách tìm kiếm sự sáng tạo và làm mới ngôn ngữ trong một số tình huống ngữ cảnh để ý nghĩa của từ được đắc địa hơn. Nhưng, mấy năm gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển, bị lạm dụng gây nên sự nhàm chán, bức xúc cho người đọc.

Những từ ngữ vốn dĩ rất quen thuộc từ bao đời, cả trong ngôn ngữ viết và trong giao tiếp hằng ngày, nay bỗng dưng bị người ta viết ngược lại. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Nhà văn, nhà báo đua nhau viết ngược từ, như cái mốt thời thượng. Rằng, ta đây cũng biết đảo ngược từ như ai. Thậm chí, có cả những nhà lý luận phê bình văn học cũng viết đảo ngược từ một cách tùy tiện. Vô hình trung làm méo mó ngôn ngữ Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Đầu tiên là trong thơ. Những dẫn chứng sau trích ra từ các bài thơ trên báo và trong các tập thơ:

Sông vẫn gầm thở náo nức nhiệt nồng
Thóc gạo rau xanh chợ ắp đầy
Gửi bao kỷ niệm diết da thuở nào
Ngọt bùi, cay đắng, chát chua
Nằm biếng lười trong lồng ngực cằn khô
Díu dan với núi sông
Núi cao dốc thẳm sương mây ảo huyền.

Qua đây, dễ dàng nhận ra, từ viết đúng phải là: da diết, nồng nhiệt, đầy ắp... nhưng vì để cho có vần, người làm thơ đã đảo ngược. Thật khó chịu khi phải đọc hoặc nghe: biếng lười, díu dan, ảo huyền. Thơ thì bảo vì lý do vần điệu đã đành, nhưng ngay ở lĩnh vực văn xuôi - truyện, tiểu thuyết, đến sách, báo lý luận phê bình với chức năng uốn nắn, hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ cũng viết từ đảo ngược. Có khi chỉ một trang báo hoặc một trang tiểu thuyết xuất bản mấy năm gần đây cũng có đến ba, bốn chỗ dùng từ đảo ngược. Công bằng mà xét, có trường hợp đảo ngược từ chấp nhận được, như ở một số ví dụ sau: “Bà vội vàng ôm cháu dấu yêu ơi”; “Thì đi cho thỏa muôn phần khát khao”; “Tâm trạng dễ hẫng hụt”; “Tấm lòng thảo thơm”; “Không hãi sợ”; “Sống trong khó nghèo”; “Sáng soi lẫy lừng”; “Nỗi muộn phiền”... Còn đa số những từ viết đảo ngược là khó chấp nhận.

Vì khuôn khổ trang báo, vì lẽ tế nhị, người viết bài này không nêu đích danh tên tác giả, tác phẩm mà chỉ trích dẫn câu có từ đảo ngược: “Cứ miết mải đi”; “Mở cửa khỏa khuây”; “Đâu chỉ phế tàn thực thể”; “Trước vẻ đẹp của văn chương rạng tỏa”; “Luôn đáu đau trước vẻ đẹp”; “Nhà thơ có vẻ ngẫm suy”; “Thốt thoa với gió”; “Nghĩ ngẫm thế nào”; “Nhiều cạnh khía khác nhau”; “Không ngàng ngó gì đến”; “Làm bật nổi tư tưởng của tác phẩm”...

Thông thường, khi nêu bật một vấn đề, chỉ cần đưa ra vài dẫn chứng. Nhưng, trường hợp này phải đưa nhiều ví dụ nhặt được trong sách báo mấy năm gần đây để thấy mức độ trầm trọng của việc viết đảo ngược từ. Nào: “Trong sương tỏa lan dòng nhạc. Đầy xót chua”. Rồi: “Một đêm say lúy túy. Làm ăn lang lớp. Trong cõi vô hư. Để nhuần thấm về hệ giá trị. Cuối cùng thức nhận một điều”.

Chỉ một truyện ngắn của một nhà văn có tên tuổi in trên tạp chí năm 2022 có đến mấy lần dùng từ đảo ngược: “Đêm đêm nhìn chị em vẹo xiêu đạp xe”.

Không chỉ truyện ngắn, trong bút ký, phóng sự và tản văn cũng nhan nhản cụm từ đảo ngược: “Làm con người lắng lo”; “Không một đỡ nâng”; “Giấu che sự tủi thân”; “Đàn ông là để cho phụ nữ tựa nương”; “Yêu cái vía hồn người viết”. Có những cây bút lão thành trong làng văn, làng báo cũng bị cuốn vào cách viết đảo ngược từ. Trong một cuốn tiểu thuyết, đọc bên trong thấy khá nhiều tự bị đảo ngược, kiểu như: “Những con người mà tuổi tên của họ đã... Khi lòng còn nặng tính toan”.

Có trường hợp chỉ một câu văn ngắn mà có tới hai chỗ đảo ngược từ không hợp lý: “Chị là bản nguyên và cô ấy là một tác phẩm phỏng mô”; “Chính chỗ khuyết thiếu, ảo mờ đó”; “Một danh thơm cợt trêu của tạo hóa đau đáu nỗi âu lo”. Có trường hợp vừa khó đọc, vừa nghịch tai: “Một hợp tập văn bản”; “Rói tươi hoa phượng”; “Hắn tỏ ra bỉ khinh”; “Khối thù hình”; “Chuyện sách đèn”. Hầu như mở tờ tuần báo nào cũng thấy có cụm từ bị đảo ngược: “Ấp ôm dáng hình đất nước”; “Biện bày trên mặt bàn”; “Một trở trăn đêm nọ”; “Đã kịp dội vang lên”; “Anh đọc nghiến ngấu”; “Một tư tưởng nhát hèn”; “Khi anh từ tạ”; “Với sự dắt dìu”.

Nếu có ai đó khai sinh ra từ đảo ngược thì y như rằng ít lâu sau có người học luôn, a dua luôn. Thí dụ: Trong một bài lý luận phê bình có câu “...chính là ánh phản sâu sắc nhất". Lập tức tuần sau có người viết: "Ánh phản một nền văn minh đã có tự bao đời". Thế rồi, liên tiếp báo khác có câu: "Những hiện vật tìm thấy ánh phản nơi đây đã từng có nền văn minh khá sớm". “Những quan hệ tình cảm muôn màu sắc ánh phản đời sống tâm hồn con người”... Đọc cứ thấy nó ngô nghê, vô lý và gây phản cảm.

Báo này xuất hiện câu: “Nơi ắp đầy những kỷ niệm”. Mấy hôm sau, báo khác có luôn: “Ắp đầy sắc màu huyền thoại”. Cứ thế, báo khác lại viết ắp đầy tình yêu. Ắp đầy nhung nhớ. Ắp đầy cảm xúc. Nơi này viết quýt chín hươm vàng. Nơi khác viết luôn: “Quả chuối nướng hươm vàng”. Thật vô lý, từ "hươm" chỉ là từ phụ, nay bỗng bị đảo thành từ chính. Người ta thường nói: vàng chóe, vàng da cam, vàng khè, vàng hươm. Từ này luôn phải đứng trước.

Dòng sông xiết chảy. Chảy xiết là chảy mạnh. Không thể mạnh chảy được. "Chảy" là động từ, xiết là tính từ. Chảy xiết để phân biệt với chảy xuôi, chảy lững lờ, chảy từ từ. Tuổi tên tô đẹp non sông. Có tên rồi mới nói đến tuổi. Vùi xác thân vĩnh viễn nơi này. Thân rồi mới đến xác. Có thân mới có xác. Anh đớn đau nhìn thấy. Đớn chỉ là từ phụ. Đau mới là từ chính. Qua những dẫn chứng trên đủ thấy việc viết đảo ngược từ rất tùy tiện. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo. Dư luận bạn đọc và không ít người sáng tác đều khó chịu với lối viết đảo ngược từ như thế. Đó là chưa kể, nếu trong những đoạn văn, bài thơ được đưa vào sách giáo khoa dùng trong nhà trường phổ thông mà lại có cụm từ bị đảo ngược một cách tùy tiện thì sẽ gây tác hại như thế nào đối với thế hệ học sinh.

Vậy nên, những người cầm bút, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà lý luận phê bình văn học, những nhà ngôn ngữ học... là những người "cầm đuốc" soi đường cho người đọc, hướng dẫn cho các thế hệ học sinh phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt, không làm méo mó ngôn ngữ Việt bằng việc viết đảo ngược từ tùy tiện, gây ra tối nghĩa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nan-dao-nguoc-tu-tuy-tien-i730567/