Đẩy mạnh kết nối, tạo việc làm

Việc kết nối, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) những năm qua luôn được các sở, ngành, địa phương ở tỉnh Quảng Trị quan tâm, chú trọng, đặc biệt tại các huyện miền núi có số lượng lao động thiếu việc làm chiếm tỉ lệ cao.

Đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt cho người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết trong năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 13.000 lượt lao động. Trong đó, có khoảng 11.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh, 2.000 lao động làm việc ở một số thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này đã tổ chức 28 phiên giao dịch việc làm với 105 lượt đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng trực tiếp. Có khoảng 1.750 lượt lao động tham gia các hoạt động tại sàn, trong đó có 618 lao động tìm kiếm được việc làm trong tỉnh, trong nước.

Đakrông là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị với gần 50.000 dân, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Từ đầu năm đến nay, huyện Đakrông đã kết nối, tạo việc làm mới cho khoảng 1.300 lao động trên địa bàn (đạt 200% kế hoạch đặt ra). Trong đó, có hơn 1.100 người đi lao động ngoại tỉnh và 66 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Bên cạnh việc kết nối, tạo việc làm cho người lao động, huyện này cũng đã tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 500 học viên tham gia.

Đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt cho người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa

Trong khi đó, tại huyện miền núi Hướng Hóa, đến cuối tháng 11-2023, tổng số lao động được tạo việc làm mới là 1.369 lao động. Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa đã hoàn thành đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 18 lớp với 360 học viên. Hiện đơn vị này đang triển khai đào tạo nghề cho 12 lớp với 240 học viên tham gia.

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, cho biết để đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những kế hoạch, chương trình, chính sách cụ thể, đồng bộ với những giải pháp có tính chiến lược. Cần thúc đẩy việc thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ thông qua các sự kiện truyền thông, các phiên giao dịch việc làm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Qua đó, giúp NLĐ tiếp cận được thị trường lao động thuận lợi, dễ dàng…

Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục quan tâm, giải quyết việc làm cho lao động miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho NLĐ.

Bài và ảnh: Đức Nghĩa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-manh-ket-noi-tao-viec-lam-196231205213722622.htm