Cơ sở dữ liệu về cây thuốc: 'Đòn bẩy' thu hút đầu tư

Cơ sở dữ liệu-WebGIS (còn gọi là bản đồ số) về cây thuốc vừa được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) xây dựng và đưa vào hoạt động. Việc xây dựng bản đồ số có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quy hoạch, phát triển cây dược liệu (DL) cũng như công tác thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ DL.

Phong phú nguồn tài nguyên

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 600 loài DL thuộc 153 họ, tập trung ở dưới tán rừng, trong đó có 30 loài được sử dụng rộng rãi như: ba kích, bách bộ, bổ cốt toái, cam thảo dây, cỏ hôi, cỏ xước, địa liền, gừng, hà thủ ô trắng, kim tiền thảo, lan kim tuyến, nghệ đen, ngũ gia bì chân chim, nhân trần, nhàu rừng, rẻ hương, riềng gió, sa nhân tím... Đặc biệt, nhiều loại được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: lan kim tuyến, hoàng đằng, địa liền, thạch hộc.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển cây DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tổng diện tích cây DL của tỉnh gần 4.000 ha, tăng gần 3.002 ha so với năm 2020, trong đó, cây DL dưới tán rừng là 957 ha, tăng gần 700 ha so với năm 2020; DL trồng trên đất nông nghiệp 3.030 ha, tăng 2.306 ha so với năm 2020. Một số loại cây DL dưới tán rừng có diện tích lớn như: mật nhân 210 ha, sa nhân 576 ha; diện tích cây DL trồng trên đất nông nghiệp có thể kể tới như: đinh lăng 747,5 ha, nghệ 465,5 ha, sả 418,2 ha, gừng 362,4 ha, cà gai leo 90,7 ha…

Trường Sinh Group đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tại xã Sơ Pai, huyện Kbang. Ảnh: Hà Duy

Thời gian qua, một số mô hình trồng cây DL được triển khai khá hiệu quả như trồng sâm bố chính tại huyện Kbang; trồng cây hoa hòe, cà gai leo tại huyện Kông Chro. Tỉnh cũng đã thu hút được một số dự án đầu tư phát triển cây DL, trong đó có 4 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng; 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7.272 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã đặt hàng triển khai 5 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh về DL, đặt hàng triển khai 2 nhiệm vụ cấp bộ, cấp quốc gia, đang theo dõi 2 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc chương trình quỹ gen. Các hoạt động chế biến DL, xúc tiến thương mại tiêu thụ DL được các cấp, các ngành tích cực triển khai, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm DL trong và ngoài tỉnh.

Ngày 13-5-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây DL đến năm 2025, định hướng năm 2030. Theo Đề án, dự kiến đến năm 2030, Gia Lai sẽ phát triển diện tích DL đạt khoảng 20.000 ha, trong đó, diện tích trồng sâm Ngọc Linh khoảng 800 ha, lan kim tuyến 1.000 ha, thất diệp nhất chi hoa 500 ha, đinh lăng 2.500 ha, mật nhân 2.000 ha, sa nhân tím 1.000 ha, đẳng sâm 1.000 ha, đương quy 1.000 ha, cà gai leo 1.000 ha... Mục tiêu của Đề án là bảo tồn và khai thác DL tự nhiên; bảo tồn, phát triển nguồn gen DL bản địa, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hình thành trung tâm bảo tồn tri thức y học cổ truyền và nguồn gen cây thuốc quý của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; khai thác bền vững các loại DL trong tự nhiên, dưới tán rừng gắn với việc bảo vệ rừng. Cùng với đó, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững và ứng dụng KH-CN trong sản xuất, bảo quản, chế biến để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng DL trong nước và xuất khẩu.

Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (diễn ra tháng 4-2022), ông Trần Đăng Nam-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội-cho rằng: “Gia Lai là một trong những tỉnh mà chúng tôi xác định sẽ thúc đẩy đầu tư vì có nhiều dư địa để đầu tư, phát triển. Hiện có nhiều lĩnh vực mà chúng tôi đang rất quan tâm như: du lịch, logistics, chế biến nông sản, DL... Bên cạnh việc xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng mà Gia Lai đã làm rất tốt, chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ của tỉnh trong việc cung cấp thông tin về những dự án đang kêu gọi đầu tư, quy hoạch vùng nguyên liệu về nông sản, về DL... để các nhà đầu tư tiện hơn trong khảo sát cũng như lựa chọn lĩnh vực đầu tư”.

Xây dựng dữ liệu địa lý cây dược liệu

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, đồng thời nhằm cung cấp kịp thời cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển cây DL trên địa bàn tỉnh, giúp cho việc quản lý, khai thác được dễ dàng, làm cơ sở khoa học cho công tác lập, quy hoạch, khai thác và phát triển vùng cây DL quý hiếm, cung cấp thông tin trực tuyến cho các nhà đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực DL, Sở KH-CN đã ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xây dựng WebGIS về phân bố cây thuốc chính tỉnh Gia Lai tại địa chỉ http://caythuocgialai.com.vn

Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp-dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cho rằng WebGIS cây thuốc đem lại lợi ích lớn cho những người quan tâm. Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Trên cơ sở các dữ liệu về không gian, dữ liệu thuộc tính đã được thu thập, biên tập tiếp theo xây dựng WebMap gồm các trang dữ liệu (khí hậu, đất đai), các lớp bản đồ (bản đồ đất, địa hình, độ dốc, khí tượng thủy văn...), trang hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiểu vùng. Trang WebGIS cây DL Gia Lai gồm: Trang chủ chứa đựng nội dung giới thiệu chung về bản đồ phân bổ DL chi tiết (được hiển thị bằng các ký hiệu thể hiện cho từng loại cây DL) tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; các lớp bản đồ chính gồm: bản đồ đất (chứa thông tin về các tính chất đất), bản đồ hiện trạng sử dụng đất (chứa các thông tin về cơ cấu sử dụng đất). Mục chuyên đề sẽ cung cấp những thông tin về phân bố trồng cây trên địa bàn tỉnh, các đề tài, dự án khoa học đã và đang triển khai liên quan đến cây thuốc; kế hoạch bảo tồn và phát triển cây DL trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề cương Đề án bảo tồn và phát triển cây DL trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; danh sách các đề tài, dự án DL đã và đang triển khai tại tỉnh. Mục tài liệu gồm: bản đồ đất tỉnh Gia Lai; bản đồ hành chính và sinh thái tỉnh.

Theo Giám đốc Sở KH-CN, nhìn vào bản đồ cây DL sẽ dễ dàng xác định được vùng nào đang trồng cây gì, số liệu về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương thích hợp để phát triển loại cây nào. Ví dụ, huyện Đức Cơ là nơi đang rất phát triển cây riềng gió, nghệ đen; huyện Mang Yang đang trồng nhiều cây nhàu, thiên niên kiện; huyện Chư Prông thì phát triển cây hoàng đằng, hoàng nàn, thảo quyết minh…; huyện Krông Pa thích hợp cho các loại cây như cỏ xước, mã tiền, cam thảo dây, thạch hộc, gừng… Khi click chuột vào biểu tượng của mỗi loại cây, trên bản đồ sẽ hiện lên thông tin về: tên khác của cây, họ của cây, công dụng, mùa hoa, mùa quả, bộ phận dùng, phân bố, trữ lượng… Hiện Sở KH-CN đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện WebGIS này.

Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp-dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Chúng tôi chuyên sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, tăng cường sức khỏe từ hoa đu đủ đực, khổ qua rừng, mãng cầu sấy... Chúng tôi chủ yếu lấy nguyên liệu tại chỗ và một số vùng lân cận. Bản đồ về cây DL sẽ vô cùng tiện lợi, cần thiết khi chỉ cần mở ra là biết được vùng có nguồn nguyên liệu Hợp tác xã cần, thậm chí qua đó cũng có thể gợi ý để chúng tôi phát triển thêm những danh mục sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu tại chỗ”.

HÀ DUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202212/co-so-du-lieu-ve-cay-thuoc-don-bay-thu-hut-dau-tu-5797666/