Nghệ An mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, không ít hợp tác xã trên địa bàn Nghệ An đã ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP nhờ kết nối cung - cầu.

 Trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024" là cơ hội để mở rộng thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng

Trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024" là cơ hội để mở rộng thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng

Thay đổi tư duy trong việc tiếp cận thị trường

Là một trong những hợp tác xã trưng bày sản phẩm tại gian hàng phục vụ cho Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024", bà Nguyễn Diệu Thúy – Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ (thị xã Thái Hòa) cho biết, mặc dù hợp tác xã còn non trẻ (thành lập năm 2020), nhưng đến nay đã có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Hoạt động của hợp tác xã đã và đang từng bước góp phần khôi phục và phát triển những tiềm năng, thế mạnh các nguồn dược liệu của địa phương theo định hướng phát triển dược liệu vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

 Hạt sở - nguyên liệu sản xuất dầu sở ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Châu Lan

Hạt sở - nguyên liệu sản xuất dầu sở ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Châu Lan

Tham gia trưng bày gian hàng với các đơn vị trong và ngoài tỉnh là hoạt động rất thiết thực, giúp hợp tác xã mở rộng tầm mắt, thay đổi tư duy trong việc phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường.
Tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024" vừa diễn ra tại TP. Vinh, nhiều hợp tác xã trên địa bàn Nghệ An: Hợp tác xã Sen quê Bác (Nam Đàn); Hợp tác xã bò giằng Thảo Hảo (Tương Dương); Công ty Hadalyfa Cửa Hội… đã ký kết với Công ty Lotte Vinh để tiêu thụ sản phẩm.

 Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Nghệ An tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Nghệ An tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Phạm Kim Tiến – Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác cho hay, từ lâu nay, hợp tác xã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đó là xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp tham quan Làng Sen với các hoạt động trải nghiệm về cánh đồng sen, chế biến sản phẩm từ sen như làm bánh, làm trà; tạo các điểm bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, nhà ga để quảng bá, giới thiệu đến với các tầng lớp khách hàng. Ngoài ra, hợp tác xã còn quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, website và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, qua tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức, như các hội chợ; diễn đàn kết nối cung – cầu…, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận mở rộng, phát triển các kênh phân phối, hợp tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

“Hằng năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, là điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp, từ đó ký kết cung – cầu sản phẩm hiệu quả nhất, nếu không các hợp tác xã sẽ rất khó để tìm kiếm thị trường tiêu thụ”, đại diện Hợp tác xã Sen quê Bác chia sẻ.

Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm: Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại luôn được ngành Công Thương phối hợp với các ngành, trong đó có Liên minh Hợp tác xã tỉnh luôn trăn trở các giải pháp hoạt động thương mại.

Cùng đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng, thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ.

Hằng năm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ, kết nối tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn cam, 20.000 – 30.000 tấn quýt, 25.000 – 30.000 tấn dứa quả, 5.000 tấn gừng, 5.000 tấn chanh, 800 tấn thủy, hải sản chế biến.

Có thể kể đến các sản phẩm chế biến như trà dược liệu Pù Mát, sản phẩm bánh đa Đô Lương, lạc sen Diễn Châu, thủy sản biển Quỳnh, thủy sản Cửa Lò, giò bê Nam Đàn, tinh bột nghệ… Đến nay đã có nhiều sản phẩm đạt sao OCOP; nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng siêu thị và các cửa hàng thực phẩm, bách hóa và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt, có sản phẩm chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu tại các nước Tây Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...

 Các hợp tác xã ký kết cung - cầu với doanh nghiệp tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024" vừa diễn ra tại TP. Vinh Ảnh: Xuân Hoàng

Các hợp tác xã ký kết cung - cầu với doanh nghiệp tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024" vừa diễn ra tại TP. Vinh Ảnh: Xuân Hoàng

Tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng: Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần tiếp tục chủ động, triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng được các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, cần tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tổ chức cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tỉnh tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế số lượng sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề và doanh nghiệp Nghệ An chiếm lĩnh trên thị trường trong nước vẫn còn ít, kiểu dáng mẫu mã chưa đa dạng và phong phú. Số lượng sản phẩm hợp tác xã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP vẫn chưa nhiều. Liên kết giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã chưa mang lại hiệu quả cao và chưa có tính ổn định. Các sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp sức cạnh tranh còn thấp. Cần phải tiếp tục được đổi mới và tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu.

ĐỒNG CHÍ Nguyễn Văn đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Với những nỗ lực của Liên minh Hợp tác xã tỉnh và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, kỳ vọng sản phẩm OCOP Nghệ An sẽ ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu./.

Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-mo-rong-thi-truong-on-dinh-dau-ra-cho-san-pham-ocop-post289632.html