Chuyển mình ở vựa rau, hoa lớn nhất nhì Thủ đô

Thực tế, công nghiệp mới là ngành sản xuất mang lại giá trị cao hơn cả tại huyện Mê Linh. Tuy nhiên, với đặc thù tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp cao, diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa vào thế mạnh địa phương, từ đó khẳng định nông nghiệp là ngành không thể xem nhẹ của Mê Linh.

Sở hữu vùng trồng hoa gần như lớn nhất thành phố, song sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh có thời điểm nặng tính truyền thống, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Chính vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã không ngừng ứng dụng công nghệ, khoa học, chuyển đổi sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng.

Tăng năng suất, giá trị nông sản

Trước đây, người dân Mê Linh trồng hoa theo kiểu tự phát, ít ứng dụng khoa học kỹ thuật nên giá trị kinh tế không cao. Người dân cũng gieo trồng trên diện tích nhỏ lẻ, không thu hút được doanh nghiệp hoặc các đơn vị thu mua vào liên kết, ký các hợp đồng dài hạn.

Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng theo hướng giảm cây lương thực ở mức hợp lý, Mê Linh đã đẩy mạnh trồng hoa theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

Đây là điều kiện thuận lợi để người dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi giống hoa. Nhiều hộ dân, HTX cũng đã mạnh dạn chuyển từ trồng hoa hồng, hoa cúc truyền thống sang các giống hoa du nhập từ Thái Lan như hoa bầu, đồng tiền, hoa ly, hoa Rupi Nét, Zubini… Những loại hoa này rất đắt nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với hoa truyền thống. Ngay như hoa hồng, thay vì những giống hồng truyền thống, người dân, HTX đã đẩy mạnh trồng các giống hồng Italia, Pháp, Hà Lan…

Từ 2 ha trồng hoa vào năm 1995, đến nay huyện đã phát triển lên hơn 400ha. Người dân trồng hoa ở Mê Linh đã thành thạo kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa nhờ tham gia các lớp tập huấn, ứng dụng kỹ thuật vào trong sản xuất.

Không chỉ giàu kinh nghiệm trồng hoa, người Mê Linh còn liên kết với nhau trong sản xuất. Tiêu biểu như mô hình liên kết trồng hoa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Quán (Văn Khê) đã phát triển trồng 50ha hoa trên vùng đất bãi theo hướng an toàn, ứng dụng nghệ như nhà màng, tưới tiết kiệm nhằm nâng chất lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hay tại HTX nông nghiệp Việt Doanh (xã Đại Thịnh) đã phát triển mô hình vườn ươm mầm 35 giống hoa cúc để cung ứng giống cây trồng, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Đỗ Việt Dũng, Giám đốc HTX Việt Doanh cho biết, hiện mầm hoa cúc được tiêu thụ khá thuận lợi và cung ứng rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. HTX cũng xây dựng kho đông lạnh tại vườn để lưu giữ số mầm hoa cúc được thu hoạch sẵn và tạo mọi điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa cũng như tìm đầu mối tiêu thụ cho các hộ dân liên kết.

HTX Việt Doanh đang tính đến mục tiêu xuất khẩu mầm hoa cúc ra nước ngoài, đặc biệt là các nước có nhu cầu cao như Trung Quốc, Thái Lan.

Nhờ hình thành các mô hình liên kết mà người dân đã có thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu từ trồng hoa, cây cảnh. Hiện, huyện đã có những vùng chuyên canh hoa hàng hóa, đảm bảo cung cấp ra thị trường với số lượng lớn như: Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh với 190ha hoa hồng, Văn Khê 110ha hoa hồng, Đại Thịnh 20ha hoa hồng và 60ha hoa cúc…

Không chỉ chuyển đổi trong trồng hoa, huyện còn đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa. Như tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, những năm gần đây, nhiều hộ dân, thành viên HTX đã tiên phong trong việc vay vốn để cải tạo đất trồng rau sạch theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, hơn 90% số hộ dân trong xã đều đi theo con đường phát triển kinh tế này.

Trong đó, HTX Đông Cao là đơn vị tiên phong chuyển đổi các giống rau có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những giống có giá trị kinh tế cao. Cụ thể là HTX đã trồng củ cải trắng có xuất xứ từ Hàn Quốc và Nhật Bản bên cạnh diện tích rau cải ngồng, cải chíp, súp lơ…

Thay vì trồng nhiều loại trên cùng một ruộng, HTX thực hiện mỗi hộ trồng một giống rau duy nhất để tiện chăm sóc và phù hợp trong quá trình đưa nông sản ra thị trường. HTX cũng đứng ra bao tiêu cho người dân với giá cả phù hợp.

Hiện không chỉ xã Tráng Việt phát triển được vùng chuyên canh rau với khoảng 300ha, mà các xã khác trong huyện như Tiến Thắng cũng có vùng trồng rau tập trung rộng 70ha, xã Tiền Phong là 90ha...

Nhờ phát triển những vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 của huyện Mê Linh là 1.919 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 2,6% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt đạt 1.388 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 455 tỷ đồng, tăng 5,9%… Những kết quả này còn đưa Mê Linh thành vựa rau và hoa lớn nhất nhì Hà Nội.

Phát huy nội lực

Đáng chú ý, Mê Linh còn hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả cao như: chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong (xã Tiến Thịnh), chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt; chuỗi chăn nuôi gà, vịt; chuỗi sản xuất rau màu tại xã Tráng Việt. Các chuỗi này đều có sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp.

Người dân ở Mê Linh tích cực liên kết để sản xuất hoa hàng hóa.

Để có được điều này, Mê Linh khuyến khích người dân, HTX chuyển đổi mạnh cơ cấu, giống cây trồng theo mục tiêu chú trọng sử dụng giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, nhanh được thu hoạch. Bên cạnh đó là sử dụng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương.

Một vấn đề cũng rất được Mê Linh quan tâm là đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng. Hầu hết các HTX ở trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất ở một công đoạn hay toàn bộ quy trình sản xuất. Nhiều chủ trang trại trồng hoa đã phát triển thêm các giống hoa biến đổi gen, công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lạnh để nâng cao giá trị nông sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Mê Linh cũng nghiên cứu tiếp cận các kênh xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, các vùng sản xuất đã có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, làm tốt công tác bảo vệ thực vật, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng... từ đó tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, mở rộng đầu ra theo hướng bền vững.

Gỡ rào cản để nông nghiệp bứt phá

Trước những kết quả đã đạt được, huyện Mê Linh định hướng đến 2023 tầm nhìn năm 2050 sẽ xây dựng huyện trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và là vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao.

Để làm được mục tiêu này, huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân, HTX khai thác các tiềm năng, lợi thế về đất đai rộng lớn, hệ thống hạ tầng giao thông với Vành đai 3, Vành đai 4, Sân bay quốc tế Nội Bài và vị trí cạnh sông Hồng…

Ngoài ra, Mê Linh là quê hương của Hai Bà Trưng, là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch văn hóa, cội nguồn. Do đó, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, huyện sẽ kết hợp phát triển du lịch để nâng cao giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, một điều mà Mê Linh đang vướng phải trong phát triển nông nghiệp đó là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn hạn chế và chưa bền vững. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết cùng các HTX. Tỷ lệ người dân, HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tuy đã gia tăng nhưng vẫn còn thấp, chưa đồng bộ.

Để tháo gỡ những khó khăn này, huyện đã đề xuất với Sở NN&PTNT tham mưu UBND TP Hà Nội kiến nghị với Bộ NN&PTNT sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng thuộc địa bàn huyện Mê Linh; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường gom chân đê tả sông Hồng theo quy hoạch để thuận tiện trong việc liên kết và thu hút doanh nghiệp cũng như vận chuyển nông sản, hàng hóa.

Huyện cũng đề xuất Thành phố ban hành cơ chế, chính sách, các hạng mục được phép xây dựng khi phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để các chủ thể, cá nhân, HTX chủ động trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chuyen-minh-o-vua-rau-hoa-lon-nhat-nhi-thu-do-1093638.html