Chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng nguồn cung phân bón và lương thực toàn cầu

Chiến sự ở Ukraina tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung phân bón nông nghiệp toàn cầu, có khả năng làm suy yếu an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực là một trong bốn mối quan tâm hàng đầu trên thế giới, đồng thời cho rằng "tác động dần đều của việc tăng giá phân bón" sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lương thực toàn cầu trong năm nay.

Nga và Belarus là những nhà sản xuất phân khoáng hàng đầu thế giới. Sau chiến sự của Nga tại Ukraina, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Chiến sự ở Ukraina ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón, an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Food Ingredients First.

Mặc dù vẫn có những miễn trừ đặc biệt cho phép Nga và Belarus tiếp tục cung cấp phân bón, việc xuất khẩu đã bị cản trở bởi các biện pháp cô lập khu vực.

Xuất khẩu phân bón bị cản trở

Xuất khẩu phân bón đã bị cản trở bởi việc cấm các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu cùng với sự miễn cưỡng của các công ty bảo hiểm trong việc chi trả các lô hàng trong vùng chiến sự. Đồng thời, các tuyến xuất khẩu trong khu vực EU đã bị đóng cửa.

Tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn do các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, chiếm 30% nguồn cung phân lân toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 50% vào năm 2022 do các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa.

Đồng thời, giá năng lượng tăng cao đã khiến sản lượng phân bón của châu Âu giảm 70%, tiếp tục gây hạn chế nguồn cung trên thế giới. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết một nửa dân số thế giới dựa vào lương thực được trồng bằng phân khoáng.

Chạy đua với thời gian

WFP cho biết: “Với các vụ trồng trọt sắp đến ở nhiều nơi trên thế giới, tất cả nông dân phải nhận được phân bón một cách nhanh chóng và với giá cả phải chăng.”

Giá phân bón đã tăng 199% từ tháng 5 năm 2020 đến cuối năm 2022, theo số liệu của WFP. Mặc dù đã giảm trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng điều này một phần là do nông dân ở các quốc gia đang phát triển dựa vào các giải pháp thay thế kém hiệu quả hơn.

Sean Doherty, người đứng đầu bộ phận Thương mại và Đầu tư Quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết: “Các hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm hoặc phân bón có thể lan rộng. Chính phủ các quốc gia nên kiềm chế những điều này và tối đa hóa tính minh bạch trong nguồn cung. Về lâu dài, khả năng phục hồi có thể cải thiện bằng cách đa dạng hóa nguồn cung ứng và củng cố các hệ thống bảo trợ xã hội”.

WFP đã đàm phán để giải phóng 260.000 tấn phân bón do Nga sản xuất bị tạm giữ ở Hà Lan và thuê tàu chuyển đến Mozambique, sau đó đến Malawi.

Cách giải quyết “khủng hoảng phân bón”

Trong khi đó, việc giảm bớt sự phụ thuộc của thế giới vào phân bón từ các nguồn hiện tại đang trong quá trình thực hiện. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố chương trình trị giá 500 triệu đô la Mỹ để tăng sản lượng phân bón trong nước. Phía EU cũng đang được khuyến khích thực hiện hành động tương tự.

Canada, hiện là nhà cung cấp phân kali hàng đầu thế giới, đã thông báo tăng xuất khẩu 20% vào tháng 11 năm 2022 nhằm giúp lấp đầy khoảng trống do nguồn cung bị chặn từ các quốc gia khác.

Stefan Meyer, một nhà kinh tế thuộc Đơn vị Phân tích Kinh tế và Thị trường của WFP nhận định rằng cuộc khủng hoảng phân bón này đã được giải quyết. Điều này có thể giảm bớt gánh nặng thiếu phân bón cho nông dân, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển cũng như nông dân sản xuất nhỏ.

Anh Tuấn (Theo Food Ingredients First)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chien-su-nga--ukraine-anh-huong-nguon-cung-phan-bon-va-luong-thuc-toan-cau-post237797.html