Nhiều mô hình hay trong học tập và làm theo Bác

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lựa chọn nội dung công việc mang tính đột phá hoặc những vấn đề bức xúc để triển khai thực hiện, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo trong học và làm theo Bác. Từ đó, không chỉ tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với cấp ủy, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

ĐVTN Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ phát cơm miễn phí cho bệnh nhân.

ĐVTN Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ phát cơm miễn phí cho bệnh nhân.

Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi hươu

Với trên 40% dân số là hộ nghèo, cận nghèo, bản Na Hai là một trong những bản hết sức khó khăn trên địa bàn xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Song nhờ được hỗ trợ triển khai dự án chăn nuôi hươu sao sinh sản đã giúp người dân trong bản tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Đình Kiên, Bí thư Chi bộ bản Na Hai chia sẻ: Mô hình chăn nuôi hươu sao được khởi xướng từ chính gia đình ông vào năm 2017. Khi đó, gia đình ông đã đầu tư 63 triệu đồng để mua 4 con hươu đực và 4 con hươu cái về nuôi sinh sản và lấy nhung. Chỉ sau 2 năm chịu khó chăm sóc, đàn hươu sinh trưởng và phát triển rất tốt, không chỉ giúp gia đình thu hồi vốn đầu tư mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, đàn hươu của gia đình ông Kiên đã phát triển lên hơn 40 con, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ việc bán hươu giống và nhung hươu.

Nhận thấy mô hình nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên đã triển khai dự án “Nuôi hươu sinh sản” hỗ trợ theo hình thức phát triển sản xuất cộng đồng tại 2 xã Noong Luống và Pom Lót. Trong đó, bản Na Hai có 9 hộ tham gia dự án và được hỗ trợ 1 cặp hươu, thức ăn tinh bột, thuốc thú y trị bệnh, thuốc khử trùng làm sạch môi trường chăn nuôi; được hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng theo từng giai đoạn của hươu cái sinh sản, hươu đực giống để nâng cao năng suất, hiệu quả... Sau 7 tháng triển khai dự án, mô hình nuôi hươu tại bản Na Hai đã phát huy hiệu quả, đến nay đã có hươu cái sinh sản và một số hộ bước đầu có thu nhập từ việc lấy nhung. Sắp tới, các hộ nuôi hươu trong bản sẽ thành lập hợp tác xã chuyên cung cấp mặt hàng nhung hươu, hươu giống, các sản phẩm chế biến từ hươu để bao tiêu sản phẩm, giúp người dân có thu nhập ổn định để từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Mô hình nuôi hươu của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên, bản Na Hai, xã Pom Lót cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ông Kiên chăm sóc đàn hươu.

Mô hình nuôi hươu của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên, bản Na Hai, xã Pom Lót cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ông Kiên chăm sóc đàn hươu.

Thanh niên với mô hình “Thắp sáng đường quê”

Phát huy tinh thần tuổi trẻ thi đua học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, đoàn viên thanh niên huyện Mường Ảng đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Thắp sáng đường quê” nhằm góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới tại các điểm bản khó khăn trên địa bàn. Mô hình được triển khai rộng rãi từ tháng 3/2023 tại 6 xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Mường Đăng, Ngối Cáy, Xuân Lao, Mường Lạn. Trong năm 2023, mô hình đã triển khai lắp đặt 165 bóng đèn năng lượng mặt trời tại 24 điểm bản của 6 xã trên với tổng kinh phí thực hiện trên 260 triệu đồng. Với chủ đề “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, năm 2024 mô hình “Thắp sáng đường quê’ tiếp tục được Huyện đoàn Mường Ảng lựa chọn là công trình thanh niên chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Từ đầu tháng 4 đến ngày 7/5, đoàn viên thanh niên trong huyện đã lắp đặt 225 bóng đèn năng lượng mặt trời tại 24 bản thuộc 4 xã: Mường Đăng, Ngối Cáy, Ẳng Cang, Ẳng Tở với tổng chiều dài khoảng 20km. Tổng kinh phí thực hiện trên 330 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng cho biết: Để triển khai hiệu quả mô hình “Thắp sáng đường quê”, Huyện đoàn đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ kinh phí thực hiện, đồng thời huy động đoàn viên thanh niên và người dân các bản được hỗ trợ tham gia ủng hộ ngày công đào hố, lắp đặt các cột đèn. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm sáng thêm, đẹp thêm những tuyến đường làng ngõ xóm tại các bản khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn...

Đoàn viên thanh niên huyện Mường Ảng lắp đặt đèn năng lượng mặt trời cho người dân bản Chan 3, xã Ngối Cáy.

Đoàn viên thanh niên huyện Mường Ảng lắp đặt đèn năng lượng mặt trời cho người dân bản Chan 3, xã Ngối Cáy.

“Ống tiền tiết kiệm “nâng cao đời sống hội viên

Phát huy vai trò của hội phụ nữ trong việc hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội LHPN xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) đã triển khai mô hình “Ống tiền tiết kiệm” tại các chi hội góp phần nâng cao đời sống hội viên, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo Bác. Mô hình đã triển khai thực hiện được 10 năm qua, đến nay 11/13 chi hội phụ nữ thực hiện được mô hình. Hàng tháng, các tổ đều tổ chức sinh hoạt và góp tiền tiết kiệm với số tiền từ 50 - 100 nghìn đồng. Số tiền tiết kiệm sẽ giúp các chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất. Tùy theo nhu cầu, mỗi hội viên sẽ được vay từ 3 - 5 triệu đồng, trong 3 tháng và có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã vay.

Đại diện Huyện đoàn Mường Ảng bàn giao công trình “Thắp sáng đường quê” và cờ Tổ quốc cho người dân bản Chan 3, xã Ngối Cáy.

Đại diện Huyện đoàn Mường Ảng bàn giao công trình “Thắp sáng đường quê” và cờ Tổ quốc cho người dân bản Chan 3, xã Ngối Cáy.

Chị Giàng Thị Giảng, Chủ tịch Hội LHPN xã Sính Phình cho biết: Mô hình “Ống tiền tiết kiệm” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo hội viên. Đến nay, mô hình đã tiết kiệm được hơn 60 triệu đồng. Trong đó, có những tổ đã tiết kiệm hàng chục triệu đồng. Từ số tiền trên đã giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển sản xuất. Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đã giúp chị em vượt qua thời điểm khó khăn, có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống. Từ mô hình đã có 9 hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo trong những năm qua.

Hội viên phụ nữ bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo tham gia tu sửa đường nội đồng.

Hội viên phụ nữ bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo tham gia tu sửa đường nội đồng.

Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm mô hình hay, hiệu quả, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo báo cáo đánh giá về đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 3 năm qua toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 530 mô hình về học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực. Thông qua các mô hình đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo Bác đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua của địa phương.

Bài, ảnh: Đức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/dao-duc-ho-chi-minh/215302/nhieu-mo-hinh-hay-trong-hoc-tap-va-lam-theo-bac