'Hoảng loạn' vì vàng: Làm cách nào để ngăn chặn thao túng giá?

Trên thế giới, nhiều nước coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường, trái lại ở Việt Nam, vàng trở nên 'ghê gớm' và không ít thời điểm chúng ta 'hoảng loạn' vì vàng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tình hình hiện nay, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá.

Có cả yếu tố “thiên thời” và “địa lợi” cho việc tạo sóng vàng

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kể từ năm 2021, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nguyên nhân được cho là do nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều biến động địa chính trị. Bên cạnh đó, những thông tin lạm phát Mỹ tăng cao ngoài dự đoán đã ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng thế giới. Gần 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12/4/2024).

Tại thị trường trong nước, trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng đã liên tục lập đỉnh mới, giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh tháng 4 là 85 triệu đòng/lượng và sang tháng 5 đã vượt 92 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam.

“Biến động giá vàng xảy ra có những khi liên tiếp nhau, thậm chí có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá lớn qua mỗi lần tăng giá. Có những lúc, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng. Trong tháng 4, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới, đẩy giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%”, chuyên gia của VEPR cho hay.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR, từ tháng 8/2023 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới cùng có xu hướng tăng, tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì có 2 giai đoạn giá vàng trong nước tăng trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng lên 32% và 26%. Lãi suất thấp, kênh chứng khoán và BĐS đều trầm lắng, nương theo giá vàng thế giới thì vàng trong nước rất dễ tạo sóng.

“Bước sang năm 2024, tạo sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như năm 2021-2022. Do đó, có thể nói rằng có cả yếu tố “thiên thời” và “địa lợi” cho việc tạo sóng vàng”, TS. Việt nói.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia: "Vàng không có gì ghê gớm, nên để thị trường điều tiết. Trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường. Trái lại ở Việt Nam, vàng trở nên ghê gớm, không ít thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng".

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng

Việc độc quyền vàng miếng SJC đã tồn tại nhiều năm qua, trong giai đoạn trước không có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng, “mức chênh lệch này đến mức vô lý”.

TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề “có phải do chênh lệch cung cầu hay không, hay do các tác động không khi vẫn là chính sách độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền xuất nhập khẩu vàng, nhưng những năm gần đây mới có sự biến động lớn, chênh lệch giá đẩy cao?”.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Cùng quan điểm, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thị trường vàng trong nước đang tách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Việc Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng dẫn đến sự tách biệt đó càng lớn hơn.

“Với nhãn hiệu SJC được Nhà nước độc quyền, bảo hộ, người dân sẽ yên tâm hơn, nên việc lựa chọn loại vàng này là điều dễ hiểu, trong khi nguồn cung hạn chế”, ông Cường cho biết.

Cách “trị” chênh lệch giá vàng

GS. TS. Hoàng Văn Cường cũng nêu nghịch lý khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu vàng, thì ngay sau đó giá vàng lại tăng vọt. Do đó, ông Cường cho rằng, giải pháp đấu thầu đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước.

GS. TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận ở góc độ nào đó, việc đấu thầu còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn. Bởi theo ông Cường, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mực tiêu.

“Để việc đầu thấu đạt mục tiêu, NHNN cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu”, GS. TS. Hoàng Văn Cường đề xuất.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Phó viện trưởng VEPR cho rằng, có đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, không gì có thể ngăn được sóng vàng nếu không có cách “trị” hữu hiệu. Cần nhìn lại lịch sử để thấy rằng không cần nhập khẩu, không cần phá độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chênh lệch giá vàng vẫn có những giai đoạn dài được kiểm soát, giá vàng trong nước và thế giới đồng pha gần như tuyệt đối.

“Khi nhận thấy rằng giá vàng trong nước và chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết”, TS. Nguyễn Quốc Việt thẳng thắn.

Đại diện của VEPR cũng cho rằng, trong tình hình hiện nay, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá.

“Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng”, ông Việt nêu ý kiến.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hoang-loan-vi-vang-lam-cach-nao-de-ngan-chan-thao-tung-gia-post1095849.vov