Bình Định: Nhà thầu cao tốc đồng loạt kiến nghị gỡ khó cấp mỏ vật liệu

Việc cấp phép mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định còn gặp nhiều khó khăn liên quan chuyển đổi đất rừng, thỏa thuận đền bù..., ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.

Ngày 15/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tại đây, nhiều vướng mắc liên quan đến cấp phép mỏ vật liệu, trong đó có mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn cũng được đưa ra mổ xẻ.

Khó khăn xin cấp phép mỏ vật liệu

Theo UBND tỉnh Bình Định, việc cấp mỏ vật liệu thi công tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn được áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 43 của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 1411 ngày 18/3/2022.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định chủ trì hội nghị.

Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã cấp 20 bản xác nhận đăng ký khu vực, công suất, khối lượng mỏ vật liệu cho các nhà thầu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn.

Để thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, nhu cầu cần 13,44 triệu m3 đất đắp nền. Đến nay có 15 hồ sơ đăng ký được tỉnh xác nhận đăng ký khai thác với tổng trữ lượng 10,24 triệu m3. Có 2 điểm mỏ đang hoàn thiện hồ sơ với trữ lượng 3,2 triệu m3 để trình UBND tỉnh xác nhận nhằm đảm bảo khối lượng.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đã xác nhận đăng ký 5 mỏ cát lòng sông với tổng trữ lượng 1,48 triệu m3, trong khi đó nhu cầu cần đến 2,8 triệu m3. Với nhu cầu còn thiếu, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu hướng dẫn lập hồ sơ khai thác các điểm mỏ mới.

Tuy nhiên, theo các đơn vị thi công, việc xin cấp phép mỏ khai thác vật liệu, nhất là mỏ đất mất nhiều thời gian.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc chia sẻ, trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục vướng nhiều vấn đề pháp lý. Chẳng hạn như công tác xin chuyển mục đích sử dụng rừng mất nhiều thời gian do cần phải thông qua HĐND tỉnh để xin chủ trương.

Một vấn đề nữa là trồng rừng thay thế khi xin chuyển mục đích sử dụng rừng. Hiện tại Bình Định không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế nên phải chờ Bộ NN-PTNT cân đối quỹ đất ở các địa phương khác để lập dự toán, sau đó nhà thầu mới nộp tiền. Do đó trình tự các bước tiếp theo mất nhiều thời gian.

Nhà thầu Nhật Minh dẫn chứng, một công trình nhóm B thường thi công trong vòng 24 tháng trở lại. Tuy nhiên khi đấu thầu xong, xin quy hoạch mỏ đất phải mất ít nhất 8 tháng. Do đó, tiến độ luôn chậm.

"Ngoài ra, công tác thỏa thuận với người dân để đền bù mỏ gặp khó khăn. Người dân luôn đòi hỏi giá rất cao, thậm chí gấp đôi so với quy định, nhà thầu rất lúng túng", vị đại diện nói.

Các nhà thầu mong sớm được cấp phép mỏ vật liệu, đặc biệt là mỏ đất để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc.

Phải hoàn thiện sớm, đầy đủ hồ sơ

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, việc cấp mỏ vật liệu buộc phải theo quy định của pháp luật, căn cứ vào các quy định tại Luật khoáng sản, Luật Lâm nghiệp, không thể làm khác được.

"Cao tốc Bắc - Nam là một ví dụ, để tháo gỡ được các quy trình thì Thủ tướng Chính phủ phải trình Quốc hội mới giải quyết được các quy trình theo thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên chỉ có tuyến chính thôi, còn đường công vụ, bãi đổ thải, khu tái định cư cũng không được áp dụng cơ chế đặc thù nên phải tiến hành theo thủ tục thông thường.

Tôi đã hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường thì quy trình thông thường cấp phép một mỏ vật liệu như thế phải mất 400 ngày, qua 37 bước. Tỉnh cũng đã yêu cầu các ban ngành, các sở rút gọn thời gian thực hiện các thủ tục", ông Thanh nói.

Để tháo gỡ vướng mắc, ông Thanh yêu cầu các bquan lý dự án, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ sớm để trình lên UBND tỉnh.

Với ý kiến của nhà thầu về khó khăn trong việc trồng rừng thay, ông Thanh cho hay, vấn đề này buộc phải theo quy định.

"Về nguyên tắc phải trồng lại diện tích rừng đã thu hồi. Tại Bình Định thì diện tích đất trồng rừng thay thế hết nên Bộ NN-PTNT điều phối sang tỉnh khác. Phải nộp tiền vào quỹ phát triển rừng thì bộ mới điều phối.

Vấn đề này do nhà thầu làm chậm, đến lúc áp lực tiến độ rồi đổ thừa cơ chế, trong khi cơ chế này đã đặt ra từ đầu. Do đó, muốn làm nhanh thì phải đảm bảo quy trình thủ tục và phải làm sớm.

Công trình cao tốc phải được ưu tiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhanh nhất các thủ tục có thể", ông Thanh khẳng định.

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/binh-dinh-nha-thau-cao-toc-dong-loat-kien-nghi-go-kho-cap-mo-vat-lieu-192231215124748048.htm